Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Cần xử lý hình sự với sai phạm bổ nhiệm người nhà

Hải Dương (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về tình trạng bổ nhiệm người nhà tràn lan vừa qua, ĐB Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội) cho rằng, các hành vi vi phạm về công tác cán bộ thời gian qua diễn ra rất nhiều, dư luận phẫn nộ, thậm chí làm lung lay chế độ.

Do đó, ĐB nêu câu hỏi tại sao không đưa các chế tài xử lý về việc này vào Bộ luật hình sự?

Chính phủ đã đưa ra con số 9 tỉnh có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà. Ông đánh giá thế nào về những con số này, liệu đã phản ánh đúng thực tế?

- Trước hết, con số báo cáo của Chính phủ là con số chính thức. Khi kiểm tra 9 tỉnh thì có 58 người thuộc “dòng dõi quan lại” thời nay. Đúng như câu vè của dân gian lâu nay xôn xao: Nhất trực hệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ. Trước đây người ta nói tứ là trí tuệ nhưng gần đây câu vè điều chỉnh lại, trí tuệ bị gạt ra ngoài. Con số 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà nếu như so sánh với số lượng chức danh lãnh đạo tại 9 địa phương thì quá nhỏ. Tuy nhiên, rõ ràng kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ đưa vào báo cáo của Chính phủ đã gióng lên hồi chuông khá báo động về tình trạng lạm dụng quyền lực hiện nay.

Điều này cũng cho thấy chúng ta chưa có quy định chặt chẽ trong kiểm soát sử dụng quyền lực về việc bổ nhiệm cán bộ, nên quy trình có thể là đúng nhưng người có chức có quyền lại lạm dụng nó để đưa những nhân vật thân hữu làm lãnh đạo. Đây là vấn đề khiến dư luận xã hội rất bức xúc. Nó là biểu hiện của 1 trong 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa mà tôi là Đảng viên chưa bao giờ thấy Đảng ta ra một Nghị quyết với một cấp độ cảnh báo cao như vậy. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo cao.

Rõ ràng tình trạng lạm dụng quyền lực trong việc bổ nhiệm người thân, thân hữu đến hồi phải chỉnh đốn nghiêm túc.

Thời gian tới, chúng ta phải làm gì để chấn chỉnh tình trạng “tìm người thân chứ không phải tìm người tài” này?

- Để chống tình trạng bổ nhiệm người nhà, trước hết cần xây dựng một bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh để làm sao cho những ai tài hèn đức mọn thấy bộ tiêu chí ấy thì không muốn, không dám và không thể tiếp cận được, dùng tiền cũng không mua được. Thứ hai, cơ chế tiến cử, đề cử phải gắn với trách nhiệm. Phải trừng trị những người nào đề cử, tiến cử, bổ nhiệm nhầm người, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là những khung hình phạt răn đe để người ta thấy được quyền lực Nhà nước bắt nguồn từ Nhân dân, do Nhân dân trao cho họ. Quyền lực ấy không thể lạm dụng được, không thể biến của công thành của tư được.

Nếu như chúng ta thường xuyên kiểm tra, bảo đảm quy trình chặt chẽ trong ban hành văn bản, có thể khắc phục tình trạng này, đó cũng là tinh thần mà Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII đã nêu trong phần giải pháp. Tôi thấy lần này trong Chương trình Xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội chưa có một khởi xướng chính sách nào rà soát lại quy định đó bằng văn bản tầm đạo luật và ngay cả Chính phủ cũng chưa có Nghị định, Nghị quyết nào để triển khai thực hiện vấn đề đó, trong khi đây lại là điều mà dư luận đang bức xúc.

Vậy theo ông, phải cần thêm những biện pháp mạnh?

- Việc sửa Bộ luật hình sự đang được Quốc hội thảo luật. Chương 23 trong Bộ luật hình sự quy định tội phạm về chức vụ có Điều 352 nói về tội phạm chức vụ, trong đó chỉ ra rất nhiều dấu hiệu về tội phạm chức vụ nhưng chủ yếu nói về kinh tế, trong khi tội lạm dụng chức vụ quyền hạn rất rộng, từ quản lý hành chính, tư pháp. Đặc biệt, công tác cán bộ không hề được nhắc đến. Điều này là chưa đúng với tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII đó là phải có công cụ pháp lý hiệu quả để ngăn chặn, kiểm soát quyền lực.

Xin cảm ơn ông!