Đại biểu Quốc hội lo lắng vì miền xuôi đẩy mạnh không dùng tiền mặt, miền núi khó khăn ít khi thấy mặt của đồng tiền

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Covid-19 đã làm tổn thương nhiều thành phần dân cư khác nhau, tác động lớn nhất là đến các nhóm yếu thế trong xã hội" - Đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ.

Phát biểu tại buổi thảo luận chiều 25/7, đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn tỉnh Thanh Hoá) thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ về đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 để đưa vào nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, nhằm trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đồng thời có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Nghị quyết cũng được thực hiện đến ngày 31/12/2022.
Hậu Covid-19 khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng gia tăng

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, đại biểu Cao Thị Xuân cũng đồng tình với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về tổng thể đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.
Tuy nhiên, đại biểu Cao Thị Xuân cũng cho rằng, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Mục tiêu tăng trưởng không đạt được như kế hoạch cùng với dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
"Covid-19 đã làm tổn thương nhiều thành phần dân cư khác nhau, tác động lớn nhất là đến các nhóm yếu thế trong xã hội. Điều này đặt ra đòi hỏi đối với Quốc hội, Chính phủ phải hoạch định được các chính sách phù hợp, bảo đảm tầm nhìn phát triển của hậu Covid-19, bởi khi chúng ta thực hiện tiêm chủng thành công, đạt miễn dịch cộng đồng thì Covid-19 vẫn tồn tại. Chúng ta phải sống trong bối cảnh bình thường mới chứ không thể trở về cuộc sống bình thường cũ được nữa." - Bà Cao Thị Xuân nhấn mạnh.
Đại biểu Cao Thị Xuân nhận định: "Chúng tôi lo lắng rằng nếu không có các giải pháp mạnh, cụ thể để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu đã được đề ra trong các chương trình mục tiêu quốc gia thì hậu Covid-19 khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng gia tăng. Nếu nguồn lực không được bố trí đầy đủ để thực hiện các mục tiêu kế hoạch này thì chúng ta sẽ rất khó thực hiện được mong muốn Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng bào ở miền núi có nhắn nhủ chúng tôi rằng khi ở thành phố, đô thị miền xuôi đang đẩy mạnh các giải pháp không sử dụng tiền mặt, thanh toán, không dùng tiền mặt thì không ít gia đình ở vùng miền núi khó khăn, vùng dân tộc rất ít khi nhìn thấy mặt của đồng tiền, nhiều nơi vẫn là cuộc sống tự cấp, tự túc, không có thu nhập và không có giao dịch."
Ngoài ra, đại biểu Cao Thị Xuân cũng đồng tình với mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025, đây là những mục tiêu kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi cũng hiểu rằng để đạt được là rất khó khăn.
Đồng thời, đại biểu cũng tán thành với những nội dung trong dự thảo nghị quyết là tập trung thực hiện linh hoạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội. Đối với vùng dân tộc miền núi, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội đã nêu khá toàn diện, đó là tập trung triển khai hiệu đề án tổng thể và chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của giai đoạn 2021-2030, tạo sinh kế bền vững, giải quyết việc làm, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết căn bản các vấn đề bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Để các mục tiêu này đi vào cuộc sống, bảo đảm cho Nghị quyết số 88 của Quốc hội mang tính khả thi, tạo chuyển biến rõ nét. Tôi đề nghị bổ sung vào Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 nội dung, đó là đến năm 2025 Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết căn bản các vấn đề bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng có nguy cơ cao về thiên tai, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống của đồng bào. Đây là vấn đề rất cấp bách, đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp để giải quyết kịp thời.
Bà Cao Thị Xuân cũng đề nghị ghi rõ trong Nghị quyết của Quốc hội là phải bố trí đủ vốn, nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Mới đây, làm việc với một số tỉnh ở Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các tỉnh cần quan tâm tập trung giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào, đặc biệt là rà soát tình trạng đất đai ở các nông, lâm trường hiện nay đang quản lý nhưng không có hiệu quả, chuyển về địa phương diện tích khá lớn nhưng chưa được đo vẽ, cắm mốc, một số nơi thì chưa bàn giao hoặc nhận bàn giao nhưng chưa có kế hoạch sử dụng.
Đại biểu Cao Thị Xuân đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết dứt điểm tình trạng về quản lý, sử dụng đất đai, tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn sai mục đích đang còn tồn đọng trong các công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng.
Cuối cùng, đại biểu Cao Thị Xuân bày tỏ sự hoan nghênh Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua đã ban hành Nghị quyết 120 với nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là Chính phủ đã có kế hoạch cho giai đoạn tới sẽ tăng đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta cần thêm những nghị quyết cụ thể như vậy, bởi ngoài Tây Nam Bộ chúng ta còn những vùng Tây khó khăn khác, đó là Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Thanh Hóa-Nghệ Tĩnh cũng đang rất cần rà soát các mục tiêu, kế hoạch, chính sách để bảo đảm được chiến lược cho phát triển mới. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần