Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội tâm đắc với mô hình trường đại học “mẹ” – “con”

Hà My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Góp ý về mô hình tổ chức hệ thống giáo dục đại học khi góp ý cho dự thảo luật Giáo dục đại học (sửa đổi) sáng nay, 6/11, ĐB Quốc hội bày tỏ tâm đắc với quy định về tổ chức của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học phân theo hai cấp độ: đại học và trường đại học thể hiện trong dự thảo luật.

Giáo dục đại học phân theo hai cấp độ
Phát biểu tại buổi thảo luận, ĐB Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ tâm đắc với quy định về tổ chức của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học phân theo hai cấp độ: Đại học và trường đại học thể hiện trong dự thảo luật.
Theo ĐB đoàn TP Hồ Chí Minh, mô hình tổ chức như vậy thể hiện xu thế phát triển của thế giới, phân định mạch lạc mô hình các cơ sở giáo dục đại học, giữa các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học thành viên với đại học “mẹ”.
ĐB Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh:“Quy định này cũng định hướng cho việc hình thành các đại học mới trong tương lai. Tôi tâm đắc với việc mỗi trường đại học đều có cơ hội, có thể trở thành các đại học. Các trường đại học độc lập cũng có thể chủ động liên kết với nhau để hình thành đại học lớn, đa ngành. Xu thế này đã bộc lộ mạnh mẽ, mang lại hiệu quả lớn cho các trường ở Mỹ, Châu Âu”.
 ĐB Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP Hồ Chí Minh)
ĐB cho rằng, 30 năm qua, việc hình thành 2 ĐH Quốc gia thể hiện rõ chủ trương về mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực này.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, dự thảo luật đã tháo được cơ bản những nút thắt hiện tại của hệ thống giáo dục Việt Nam, để Hội đồng trường là cơ quan có thực quyền, để hướng tới đổi mới cơ chế tài chính, cho phép sự linh hoạt chuyển đổi mô hình từng loại hình trường, khắc phục được những hạn chế trong đầu tư công, buộc các trường phải tự nâng chất lượng để đáp ứng yêu cầu vận chuyển dòng lao động hiện nay.
Dẫn chứng cụ thể với mô hình trường đại học tư thục, ĐB nhận định, các quy định để ra giúp khắc phục tình trạng những lùm xùm xảy ra thời gian gần đây, đảm bảo mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Về mô hình tổ chức, theo ĐB Hùng: Trên thế giới, ở mỗi nước, tên gọi, mô hình các trường đại học đều rất phong phú và đa dạng, không phân biệt rạch ròi. Vậy nên hướng quy định hệ thống các cơ sở giáo dục đại học bao gồm đại học và trường đại học như đề xuất vừa đảm bảo được yêu cầu giữ ổn định hệ thống nhưng cũng mở ra khả năng cho các trường phát triển. Theo đó, các trường đại học (gồm các trường đại học độc lập hoặc trường thành viên trong một đại học) được xác định là hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học.
ĐB Hùng đánh giá, quy định 2 cấp độ tổ chức trong hệ thống đại học là bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống giáo dục đại học đóng, khép kín, tĩnh sang một mô hình động, linh hoạt hơn, đảm bảo cho việc phát triển đại học thành những trường đa lĩnh vực, quy mô lớn, mạnh…
Những mâu thuẫn tồn tại
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nhận xét, chính sách xuyên suốt của luật trong lần sửa đổi này là nhằm tháo gỡ vướng mắc cho việc tự chủ đại học nhưng nhìn vào những điều khoản quy định thì vẫn thấy nhiều mâu thuẫn đang tồn tại trong bộ máy đại học vẫn chưa giải quyết, chưa gỡ được so với luật 2012.
ĐB đoàn Long An cho rằng, vướng mắc, bất cập hiện tại trong tổ chức bộ máy đại học không nằm ở sự tồn tại của đại học quốc gia hay đại học vùng mà nằm ở chính trong bộ máy tổ chức của các trường đó. Yêu cầu đề ra suốt 24 năm vừa qua là giảm đầu mối quản lý và biên chế trong các tổ chức đó thì đã không làm được.
 ĐB Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An)
“Quy định hiện tại khiến bộ máy trùng bộ máy vì đại học “mẹ” có phòng, ban chức năng nào thì đại học thành viên cũng có phòng chức năng tương tự. Từ khoá trước, các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu nhận định, hoạt động của 3 đại học vùng còn nhiều bất cập khiến các đại học thành viên không phát huy được hoạt động mà thậm chí còn “tiêu diệt” vai trò lẫn nhau. Đại học vùng, theo đó, lại trở thành cấp trung gian quản lý, kìm kẹp, cản trở hoạt động của các trường thành viên”, ĐB nói
Mặt khác, ĐB Tuấn Anh chia sẻ, mô hình đại học vùng được bạn bè quốc tế cho là “lạ”, chỉ có ở Việt Nam, không có ở đâu trên thế giới.
ĐB đoàn Long An đề nghị sửa quy định về tổ chức bộ máy trường đại học theo hướng tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp trong khối đại học. Làm được như vậy, mỗi đơn vị sẽ tiết kiệm được 120 tỷ đồng/năm. Theo đó, việc cần thiết là cải tiến tổ chức các trường theo mô hình đại học đa lĩnh vực chứ không phải tổ chức thêm cấp quản lý với các trường.
“Với dự luật hiện tại, các đại học thành viên trong đại học sẽ vẫn cần 2 bộ máy quản lý và sẽ không gỡ được chân khỏi những vướng mắc hiện hữu cho các đại học thành viên mà còn bị ràng buộc, làm khó hơn. Đại biểu đề xuất UB Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy phiếu xin ý kiến về 2 phương án: tổ chức lại bộ máy đại học theo mô hình một cấp hoặc giữ mô hình tổ chức như hiện hành”, ĐB nói.