Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội: Tỷ giá, lãi suất sẽ gây áp lực lên lạm phát 2019

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội hàng năm và giữa kỳ 2016 - 2020.

Trước đó, trong buổi sáng, đã có 27 đại biểu (ĐB) phát biểu. Các ý kiến ĐB Quốc hội đều bày tỏ phấn khởi trước bước phát triển ngoạn mục của đất nước trong khi đầu nhiệm kỳ bề bộn những khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, không khí thảo luận rất sôi nổi, có chiều sâu và khá toàn diện.
Theo bảng điện tử thông báo, danh sách đăng ký chờ phát biểu có 66 ĐB Quốc hội.
 ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) 
Sẽ áp lực lớn với chính sách tiền tệ và tỷ giá
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận buổi chiều, ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đồng tình với các báo cáo của Chính phủ. ĐB đánh giá, nhìn tổng thể, có thể thấy rất rõ xu thế phát triển chung của đất nước trong những năm gần đây, niềm tin của nhân dân ngày càng được tăng cường, vị thế đất nước được nâng cao.
Tuy nhiên, ĐB nêu vẫn còn một số vướng mắc và kiến nghị trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, đất đai… cụ thể là bổ sung kinh doanh dịch vụ bồi thường, tái định cư vào lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
ĐB cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung các chính sách để bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước, nhất là về chính sách thuế với linh kiện, phụ tùng để kéo giảm giá thành sản xuất ô tô trong nước.
ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, thời gian sắp tới vấn đề tỷ giá sẽ gây áp lực lên lãi suất, từ đó tác động tới lạm phát, vì vừa qua chúng ta đã tăng nhẹ tỷ giá so với đồng USD để bảo đảm tính cạnh tranh cho một số mặt hàng xuất khẩu, tác động từ căng thẳng thương mại, chính sách bảo hộ của một số quốc gia...
Chi phí logistics, kho bãi, vận tải còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Do đó, thời gian tới chính sách tiền tệ và tỷ giá phải mang tính thận trọng để không gây áp lực lên chi phí cho doanh nghiệp.
ĐB cũng cho rằng việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua chưa có đánh giá toàn diện về việc chuyển giao công nghệ hay tiếp thu kỹ năng quản lý.
 ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Nhiều kiến nghị cải thiện chính sách cho người nghèo
Trong khi đó, ĐB A Pớt (đoàn Kon Tum) kiến nghị một số nội dung. Thứ nhất, nhiều năm nay ngân sách khó khăn, chi đầu tư phát triển dựa nhiều vào vốn vay, nợ công tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng trên đã được cải thiện đáng kể. Năm 2017, Chính phủ đã tiết kiệm 69 nghìn tỷ chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên giảm xuống, đây là thành tựu cần được ghi nhận, đánh giá cao, Chính phủ cũng cần đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Thứ hai, kinh tế - xã hội các vùng miền núi có nhiều cải thiện trong thời gian qua, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm… Việc thực hiện chính sách cho miền núi đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của đồng bào, tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, chính sách vẫn chưa thực sự đồng bộ, do đó cần rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách, xây dựng chính sách hiệu quả hơn, bố trí đủ kinh phí cho các chương trình này, rà soát, sắp xếp lại các nông lâm trường không hiệu quả để bố trí đất cho đồng bào thiếu đất sản xuất...
ĐB Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cho biết, qua khảo sát nhà ở người có công, người nghèo, lao động ở khu công nghiệp cho thấy, nhà ở vẫn là thách thức đối với người dân Việt Nam.
Chúng ta đang xây dựng nhà ở cho hơn 244 nghìn hộ người có công, Chính phủ đã bố trí nguồn lực nhưng các địa phương vì nhiều lý do khác nhau chưa triển khai đồng bộ, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện.
Cụ thể, về nhà ở với người có công với cách mạng, đến hết tháng 9/2018, vẫn còn 38% tương đương 149 nghìn hộ chưa được triển khai và đến cuối 2018 không thực hiện mục tiêu đề ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo để địa phương làm đủ nhà ở cho người có công vì nguồn lực đã được cân đối đủ.
Trong khi đó, ĐB Dương Xuân Hòa (đoàn Lạng Sơn) chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong phần thảo luận của mình.
ĐB nêu, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm sâu, nhưng các hộ nghèo vẫn tập trung ở một số địa phương khó khăn như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Đắk Nông... Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được giao đất, giao rừng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn thấp. Tình trạng di dân không theo quy hoạch ở một số địa phương vẫn diễn ra... Qua đó ĐB kiến nghị nhiều giải pháp để khắc phục, như phân cấp cho chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tế...
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Cần định hướng cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp

Giải trình làm rõ một số vấn đề thuộc lĩnh vực ngành quản lý, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính đến hết tháng 9, nông nghiệp tăng trưởng rất cao. Trong khi trên thế giới thiên tai tác động rất lớn, Việt Nam chỉ thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng so với thiệt hại 60.000 tỷ đồng năm ngoái.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, độ mở rất lớn, từ nay đến cuối năm chỉ còn 2 tháng, vẫn phải tăng cường các biện pháp đề phòng rủi ro với sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng cũng cho biết, các nhà khoa học đã cảnh báo những tác động về El Nino, cần có các giải pháp thích ứng ngay để không chỉ giữ thành quả năm 2018 mà còn củng cố và tiếp đà cho năm 2019. Một nguy cơ nữa là dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nơi rất gần với biên giới Việt Nam, cũng đã xuất hiện dịch bệnh.

Về tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng khẳng định chúng ta đang đi đúng hướng, thể hiện ở sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng; nông sản xuất khẩu đi 180 quốc gia, trong 5 năm đạt 200 tỷ USD, thặng dư 50 tỷ USD... Giá gạo xuất khẩu trước đây thấp thì nay đã cao hơn. Cách đây 5 năm giá gạo Việt Nam từng thấp nhất thế giới nhưng hiện nay đã ở mức cao, cao hơn Thái Lan, Ấn Độ những cường quốc xuất khẩu gạo thế giới.

Chưa yên tâm với phần trả lời của bộ trưởng, ĐB Trương Anh Tuấn (đoàn Nam Định) cho rằng cần quan tâm hiệu quả liên kết giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà quản lý trong sản xuất nông nghiệp.

Thực tế người dân vẫn phải trả lời "nuôi còn gì, trồng cây gì?" và phần lớn họ trồng, chăn nuôi nhờ kinh nghiệm, theo xung quanh. Vì thế nuôi, trồng sản phẩm theo phong trào, không có đầu ra. Câu hỏi này, thực tế theo đại biểu Nam Định, phải thuộc trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý.

 Toàn cảnh phiên thảo luận

"Kiên quyết chống tiêu cực trong thi cử"

Trao đổi tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Giáo dục và đào tạo có liên quan đến mọi người, mọi nhà, có những vấn đề mà nhận thức được nhưng khắc phục thì cần thời gian và sự chung tay của toàn dân.

Về thi cử, Bộ trưởng thông tin, thực hiện theo Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó thực hiện đổi mới thi cử có lộ trình, gắn với đổi mới sách giáo khoa, thực hiện một kỳ thi đánh giá được năng lực của học sinh THPT và là cơ sở để các đại học xét tuyển.

Công tác chuẩn bị đề thi là vô cùng quan trọng, từng năm đều có cải thiện tốt hơn, khâu bảo mật được chú trọng. Việc tổ chức chấm thi, thanh tra qua các năm thì mục tiêu giảm áp lực, tốn kém cho xã hội đã được chứng minh, người dân đón nhận.

Về tính khách quan cũng đã khá rõ, về trung thực thì cần khắc phục tối đa, năm vừa rồi có vấn đề ngành đã xử lý, khi phát hiện sai phạm có báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng, phối hợp với Bộ Công an làm rõ, sai đến đâu, xử lý đến đó, theo đúng quy chế, đã xử lý 11 người và làm đúng quy chế với 151 em.

Điểm thứ hai, trong quá trình xử lý, rà soát toàn bộ quy trình thi, chấm thi, ngành giáo dục xét thấy quy trình thì đầy đủ nhưng khâu chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và ra bài thi cần chuẩn bị tốt hơn.

"Còn phần mềm và công nghệ thì chúng tôi chưa lường hết, vẫn còn sơ hở, có người khai thác và chúng tôi đã xử lý, đã họp tất cả các Giám đốc Sở, trong Bộ cũng đã kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm, rút kinh nghiệm...", Bộ trưởng Nhạ cho biết.

"Cá nhân tôi quan điểm sai là sửa và sửa theo quy chế. Là Bộ trưởng, tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực trong thi cử", ông khẳng định.

Về sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết: Trước đây, Nghị quyết 40 của Quốc hội năm 2000 đã yêu cầu chỉ một bộ sách giáo khoa, theo Luật Xuất bản thì thực hiện giao cho Nhà xuất bản Giáo dục. Tuy nhiên, điều này có nhiều bất cập.

Do đó, Quốc hội thống nhất khi đổi mới chương trình thì sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, giao Bộ chủ động xây dựng một bộ sách và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn các bộ sách giáo khoa khác.

Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các thầy cô chủ động trong phương pháp và phù hợp với các vùng miền. Tới đây, khi ban hành chương trình mới, sách giáo khoa phổ thông, cũng sẽ hạn chế việc vẽ, tô vào sách, tránh sự lãng phí.

Về giáo viên, Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, việc sử dụng giáo viên phân cấp cho các địa phương, Bộ trưởng đề nghị các địa phương không giảm biên chế giáo viên và Bộ cũng đã thống nhất với các bộ ngành về biên chế giáo viên theo định mức học sinh của các lớp.