Quy luật cung cầu chưa gặp nhau - giá lợn tăng
Tham gia giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 5 tháng đầu năm chúng ta chịu tác động và tổn thương lớn nhất, bao trùm là đại dịch Covid - 19, đến nền kinh tế. Tất cả các ngành nghề đều chịu tác động, nhưng riêng ngành nông nghiệp thì tổn thương ở mức độ gay gắt hơn, vì còn có hai rủi ro cho ngành, chịu tác động kép, đó là tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh xảy ra ở quy mô rất nặng, mang tính chất toàn cầu, ảnh hưởng đến nông nghiệp.
Trước tác động kép như vậy, Bộ trưởng nêu rõ, yêu cầu của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid – 19 với ngành nông nghiệp, là bằng giá nào cũng phải bảo đảm hai chỉ tiêu: Lương thực và thực phẩm. Đất nước gần 100 triệu dân, trong bối cảnh đại dịch, hai chỉ tiêu này không hoàn thành sẽ có rất nhiều hệ lụy xảy ra. Trước tình hình đó, với chỉ đạo chung của Trung ương, ngành cũng như các địa phương, các thành phần kinh tế, chúng ta có nhiều cố gắng. Các nhóm giải pháp được đề ra, như nhận thức rõ các thách thức từ sớm; xây dựng đồng bộ các nhóm giải pháp; nâng cao ý thức cả hệ thống chính trị, đến toàn dân, đến tất cả các cấp…
“Đến giờ phút này điểm lại mục tiêu lương thực rất đáng mừng, tất cả vụ xuân từ Bắc - Trung - Nam, chúng ta đã thu hoạch xong 3 triệu ha với sản lượng cao nhất, năng suất bình quân 60 tạ, tổng sản phẩm bảo đảm 20,5 triệu tấn lương thực”. Nêu ra thành quả này, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là mục tiêu mà bà con nông dân, các thành phần kinh tế và hệ thống chính trị chúng ta đã đạt được, góp phần quan trọng vào việc củng cố kết quả chống dịch Covid-19. Từ đó, đưa lại 3 kết quả kép: Tổng sản phẩm vụ xuân cao nhất trong những năm gần đây, giá thành sản xuất chỉ hơn 3.000, bà con nông dân bán ra thấp nhất 5.800 đồng, bà con được giá. Xuất khẩu gạo 5 tháng đạt 3 triệu tấn, tăng 19% về giá trị. Lương thực đạt kết quả tích cực trong hoàn cảnh khó khăn.
“Thực phẩm, nếu như đầu năm, Chính phủ giao khu vực nông nghiệp sản xuất 14,5 triệu tấn thực phẩm, bao gồm 5,8 triệu tấn thịt, 8,5 triệu tấn thủy sản các loại; cùng với đó là 14,6 tỷ quả trứng, 1,2 triệu lít sữa; thì đến giờ phút này, tất cả mục tiêu, tiến độ của chúng ta đều cơ bản đáp ứng, trừ giá lợn hơi cao”, Bộ trưởng nói.
Giá lợn cao, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, do dịch tả lợn châu Phi là loại dịch bệnh rất đặc biệt, hết sức nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn trên thế giới và Việt Nam. Tháng 8/2018, chính thức xảy ra ở Trung Quốc, sau một năm rưỡi, trên toàn thế giới 33 nước bị ảnh hưởng, và tổng đàn lợn của toàn thế giới vào tháng 12.2019 đã bị giảm 12%. Trung Quốc là quốc gia bị tổn thương lớn nhất giảm tới 53%, kéo theo hệ lụy là giá lợn cao. “Quyết tâm chúng ta thì cần phải có thời gian”. Quý I/2020, chúng ta phải nhập một triệu tấn thịt lợn. Vì dịch này đặc biệt như vậy, nên ảnh hưởng đến chúng ta, thiệt hại tổng số xấp xỉ 6 triệu con lợn, về lượng giảm 20%, về khối lượng giảm 9,6%. “Đây là nguyên nhân cơ bản gây biến động giá thịt lợn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Trước tình hình đó, ngay từ tháng 3/2019, chúng ta có chủ trương phát triển các nhóm thực phẩm khác, là phát triển đàn gà, phát triển thủy sản, trứng. Cuối năm 2019, chúng ta bù đắp được 760 nghìn tấn, do đó không xảy ra thiếu thực phẩm. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận “thịt lợn thiếu”, và theo lộ trình phải phục hồi đàn đến quý IV.2020, thì số đầu lợn sẽ ngang bằng 31 triệu con trước khi bị dịch. Chính vì thế, “quy luật cung cầu chưa gặp nhau, giá tăng”.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy nhanh hơn quá trình tái đàn, tuy nhiên vừa phải bảo đảm tái đàn nhưng vừa phải bền vững, vì nguy cơ dịch quay trở lại rất cao, do đó, không phải cứ quay trở lại, cứ tái đàn một cách bừa bãi, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tập trung tái đàn cho các hộ nhỏ lẻ, vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo đảm đủ giống cho các hộ này, và bảo đảm tính bền vững khi tái đàn, không bị tái dịch. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã yêu cầu 15 đơn vị lớn, là các doanh nghiệp không chỉ chăm lo con giống, mà còn phải bán, cung cấp dịch vụ cho người dân. Rất nhiều địa phương cũng có chính sách hỗ trợ, như Hà Nội hỗ trợ 4 triệu đồng/ con lợn giống, Nghệ An 2 triệu đồng/con. Phải hỗ trợ cho bà con nông dân lúc này, chứ nếu không 3 triệu đồng/con giống, thì tiền đâu mua con giống? Đây là sự “rất cố gắng”. Nhà nước cũng đã bị thiệt hại.
Nhân diễn đàn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến nghị, nên lựa chọn thực phẩm đa dạng, "không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn, có thể ăn cá, tôm, trứng, gà… đều của nông dân cả, vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực lên ngành hàng nào”.
Không thể nói thịt lợn đắt thì chuyển qua ăn thịt gà, trứng…
Tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng về vấn đề giá thịt lợn, đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) “chia sẻ những khó khăn với ngành nông nghiệp về dịch tả lợn Châu Phi từ cuối năm 2018”, nhưng những giải pháp Bộ trưởng nêu ra thì “tôi chưa đồng tình”. Đồng ý rằng ở đây là vấn đề quy luật cung - cầu, cung thiếu trong khi cầu nhiều nên vừa qua mệnh lệnh hành chính không hiệu quả, giải pháp đưa ra không thể nói rằng “thịt lợn đắt quá thì chuyển qua ăn thịt gà, trứng gà…”.
"Đề nghị Bộ trưởng xem lại giải pháp của mình”, đại biểu Thái Trường Giang thẳng thắn. Qua theo dõi các hộ chăn nuôi, đại biểu Thái Trường Giang nhận thấy, việc nuôi gia công cho các doanh nghiệp, bà con thu được tiền công 4.000 đồng/kg thịt lợn. Đến khi khó khăn, thì người nuôi không được lợi gì nhiều, còn người tiêu dùng thì giá cao; tư thương với các doanh nghiệp điều chỉnh sẽ làm cho giá thịt lợn không thể giảm.
"Bây giờ phát sinh thêm chuyện nhập lậu ở các tỉnh giáp biên giới. Đề nghị Bộ trưởng xem lại vấn đề này”, đại biểu Thái Trường Giang nói.
Đại biểu Thái Trường Giang cũng đề nghị, Chính phủ xem việc điều hành giá, và ngoài giá thịt lợn thì còn vấn đề giá xăng. Ví dụ, giữa tháng 3 vừa qua, giá xăng giảm 50% nhưng các mặt hàng khác, dịch vụ khác không hề giảm theo giá xăng. Ngược lại, khi giá xăng tăng thì tất cả các loại mặt hàng khác đều tăng theo xăng.
“Chính phủ cần xem lại các giải pháp và điều hành, điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu cho hợp lý”, đại biểu Thái Trường Giang đề nghị.
Phân tích rõ hơn thực trạng và có giải pháp cụ thể
Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội sát với thực tế, trong đó, có 2 chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với báo cáo trình ra. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang), điều này cho thấy “sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong những tháng đầu năm”.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2020, Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra, đây là thời gian đất nước đối mặt với những thách thức, khó khăn như thiên tai, hạn mặn, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…, đặc biệt là đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Trong thời gian chống dịch, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngừng, hoặc hoạt động cầm chừng để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Với sự chung tay của toàn xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành mạnh mẽ, quyết liệt và đã khống chế được dịch trong khi Covid-19 đã phát tán toàn cầu. Hình ảnh nhiều lãnh đạo Nhà nước trực tiếp, chỉ đạo trong thời gian chống dịch đã để lại ấn tượng sâu sắc và có sức thuyết phục trong nhân dân.
Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, để thúc đẩy kinh tế Việt Nam trở lại đà phát triển. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã làm cho nhân dân cả nước tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo, điều hành đất nước của Nhà nước ta.
Khẳng định điều này, song đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói rằng, báo cáo còn ít nội dung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành bộ máy nhà nước, nhất là trong những tháng đầu năm 2020. Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cho biết, có hơn 3.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp này, chứng tỏ rằng những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân cần được xem xét, giải quyết.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã chỉ ra một số vấn đề chính tồn tại trong xã hội như: mô hình cho vay ngang hàng phát triển ngày càng nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro; tốc độ tăng năng suất của các nhân tố tổng hợp còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực; các giải pháp bảo vệ môi trường chưa hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm.
Đặc biệt, việc triển khai Luật Quy hoạch, việc lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng chưa đạt tiến độ đề ra làm ảnh hưởng đến quy hoạch của các địa phương; giải ngân đầu tư công còn chậm… Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị, Chính phủ có phân tích rõ hơn và giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế này.
Đồng tình với nhiều ý kiến, kiến nghị phát biểu trước về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm triển khai đúng tiến độ các dự án trên địa bàn vùng đồng bằng sông Cửu Long theo kế hoạch Chính phủ đã phê duyệt. Sớm hoàn thành các mục tiêu theo Quyết định số 504/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long.