Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại hội dân tộc thiểu số Hà Nội lần IV và kỳ vọng của đại biểu

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (5/11), Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ IV năm 2024 chính thức khai mạc. Tham dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức, là người dân tộc thiểu số, đại diện cho cộng đồng 53 dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô.

Lãnh đạo TP Hà Nội gặp mặt 50 đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ IV năm 2024 vào chiều 4/11.
Lãnh đạo TP Hà Nội gặp mặt 50 đại biểu tiêu biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hà Nội lần thứ IV năm 2024 vào chiều 4/11.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 sẽ là dịp để TP Hà Nội đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024; đồng thời xây dựng định hướng phát triển mới cho vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới.

Bên lề Đại hội, phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã phỏng vấn ý kiến của một số đại biểu tham dự, nhìn nhận, đánh giá về kết quả triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua. Cùng với đó là đưa ra một số kiến nghị, đề xuất để tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô trong 5 năm tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Quốc Oai, đồng bào dân tộc Mường: Đồng bào phấn khởi, tin tưởng 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà

“Trong 5 năm qua, với sự quan tâm, đầu tư lớn của TP Hà Nội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hai xã Phú Mãn và Đông Xuân đã có nhiều đổi thay tích cực. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được nâng cấp ngày một đồng bộ, đời sống vật chất - tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Cho đến nay, cả hai xã Đông Xuân và Phú Mãn đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, đang tiếp tục hoàn thiện tiêu chí để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện, cả hai xã đều không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng. Đồng bào phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội.

Tại Đại hội lần thứ IV, tôi mong muốn TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, có thêm những định hướng để phát triển toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Ban Dân tộc và các sở ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển vùng dân tộc thiểu số mà Trung ương và TP Hà Nội đã phê duyệt, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn TP Hà Nội tiếp tục quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này đã được TP Hà Nội quan tâm, huyện Quốc Oai tích cực triển khai thực hiện, nhưng cần có lộ trình và nguồn lực lớn mới có thể phát triển bền vững”.

Đại biểu Nguyễn Văn Nghĩa, thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), dân tộc Mường, là Bí thư Chi bộ và người có uy tín thôn Ké Mới: Mơ ước thành hiện thực 

Đại biểu Nguyễn Văn Nghĩa
Đại biểu Nguyễn Văn Nghĩa

“Từ năm 2008, khi về với Thủ đô, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số thôn Ké Mới nói riêng, xã Tản Lĩnh nói chung đã liên tục phát triển. Những kết quả đạt được trên cả mơ ước của người dân.

Về kinh tế, thu nhập của bà con hơn 5 năm trước chỉ đạt 30 triệu đồng/người/năm, thì nay đã đạt 65 - 70 triệu đồng/người/năm. Riêng thôn Ké Mới đã không còn hộ nghèo. Xã Tản Lĩnh cũng đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao.

Thôn Ké Mới là một trong những thôn phát triển rất tốt nghề chăn nuôi bò sữa. Hiện nay xã có Hội Đông y với 30 thành viên; thời gian tới, chúng tôi mong muốn TP Hà Nội sẽ phát triển thành làng nghề. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất TP Hà Nội tiếp tục quan tâm phát triển thêm các ngành nghề nông thôn, các loại hình du lịch cộng đồng để vừa bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống, vừa tạo sinh kế cho đồng bào”.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, dân tộc Sán Dìu, hiện cư trú tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), đại biểu nhỏ tuổi nhất tại Đại hội (sinh năm 1992): Để người trẻ được cống hiến 

Đại biểu Hoàng Thị Hoa
Đại biểu Hoàng Thị Hoa

“Trong công tác lãnh chỉ đạo, muốn đồng lòng từ trên xuống dưới thì dân phải hiểu. Chính vì vậy, trong những năm qua, người dân tộc thiểu số như chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của TP Hà Nội, nhất là trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, để đồng bào hiểu và tránh vi phạm không đáng có.

Chúng tôi cũng nhận được các chính sách hỗ trợ chung dành cho đồng bào dân tộc thiểu số của TP Hà Nội. Đơn cử như trong quá trình học tập thì được ưu tiên, tạo điều kiện để tham gia học tập tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (Trường Việt - Lào); được tạo kiện thuận lợi nhất, có một môi trường thân thiện, bình đẳng để phát triển.

Trong giai đoạn tới, chúng tôi mong muốn TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, có thêm các cơ chế, chính sách để các thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số nếu có năng lực, phẩm chất, sẽ có cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng để phát triển hơn nữa, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển chung của Thủ đô”.