Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Malaysia M. Zamruni Khalid tại Việt Nam. |
Đại sứ có thể cho biết cảm nghĩ trong thời gian công tác tại Việt Nam? ấn tượng sâu sắc nhất đối với ngài là gì?
Tôi rất vui khi nhận nhiệm vụ trở thành Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Malaysia tại Việt Nam một lần nữa. Đây không phải lần đầu tiên tôi làm việc tại Việt Nam. Năm 1996, tôi đã tới Việt Nam làm việc trong vòng 3 năm. Khi quay lại đây một lần nữa, Hà Nội đã có nhiều thay đổi, song tôi vẫn có thể nhận ra TP mà mình đã rời đi 17 năm trước. Hà Nội giống như một người bạn cũ, đây là TP đầu tiên tôi làm việc ngoài Malaysia. Trở lại đây, tôi ấn tượng khi Hà Nội phát triển thành một khu đô thị hiện đại, song vẫn giữ được nét văn hóa ở khu phố cố.
Đường xá phát triển nhiều, khu vực trung tâm xung quanh hồ Hoàn Kiếm không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, một sự thay đổi mà ai cũng có thể nhận ra, đó là cuộc sống của người dân Hà Nội đã khá hơn rất nhiều. Điển hình, là việc người dân ít sử dụng xe đạp, xích lô như một phương tiện đi lại thông dụng giống cách đây 20 năm. Thay vào đó, họ đã có đủ điều kiện để tự sắm cho mình và gia đình những chiếc xe máy và ô tô tiện dụng hơn. Bây giờ, ít có xe đạp và xích lô chỉ có ở quanh hồ Hoàn Kiếm.
20 năm trước khi tôi ở đây, tôi có đi thăm một vài ngôi đền, chùa nổi tiếng, tôi thấy những chỗ này có nhiều tiềm năng, song lại chưa thực sự phát triển. Bây giờ, chính phủ và chính quyền Hà Nội đã có những nỗ lực tu sửa để những khu dích đó phát triển và thu hút du khách hơn.
Về tuyến Phố đi bộ vào cuối tuần, tôi rất tán thành với chính quyền Hà Nội, bởi có một nơi an toàn để du khách đi dạo, đặc biệt là đối với những người chưa quen với giao thông ở Hà Nội. Trước đây, đi bộ trên vỉa hè cũng khá khó khăn, bởi có quá nhiều ô tô, xe máy. Điều này tạo điều kiện cho cả người dân và du khách có thể ngắm kỹ hồ Gươm, mà không phải lo sợ về sự an toàn của bản thân khi đi bộ trên đường.
Giao thông ở Malaysia cũng nguy hiểm không kém, bởi có nhiều ô tô, và họ đi rất nhanh, đặc biệt là ở Kuala Lumpur. Tuy nhiên, điểm tốt là có nhiều lối đi bộ cho người dân. Hà Nội thì nên để ý tới vấn đề đỗ xe, kể cả Hà Nội cũng đầy xe, khiến người dân không có chỗ đi bộ.
Đại sứ có thể cho biết đánh giá của ngài về quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua và triển vọng phát triển trong những năm sắp tới?
Mối quan hệ giữa Việt Nam – Malaysia rất tuyệt vời, dựa trên 3 điểm. Đó là mối quan hệ giữa hai chính phủ, có những chuyển thăm, làm việc với nhau thường xuyên. Thứ hai là vấn đề kinh tế, bởi nền kinh tế của hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng. Theo báo cáo, trong 11/2016, Malaysia có tổng vốn đầu tư là 411,7 triệu USD chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả Khu vực tại Việt Nam.
Điểm thứ 3 là mối quan hệ giữa người dân Việt Nam và Malaysia, tôi nghĩ đây là điểm quan trọng nhất, bởi, mối quan hệ giữa con người với con người có thể thúc đẩy nhiều yếu tố khác. Ví dụ, như nếu người dân Malaysia tiếp tục sang Việt Nam du lịch và ngược lại thì có thể góp phần phát triển kinh tế và cả du lịch của cả hai quốc gia. Trong năm 2015, đã có 300.000 người Malaysia tới Việt Nam du lịch, với việc có thêm nhiều chuyến bay tới Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và cả Đà Nẵng thì ngày càng có nhiều người tới du lịch. Thực tế, so với 20 năm trước, lúc đó thì Malaysia không nổi tiếng, nhưng bây giờ thì đã có nhiều người Việt Nam tới Malaysia du lịch. Năm 2015 đã có 15.000 Việt Nam tới Malaysia du lịch. Tôi muốn khích lệ để có nhiều người Việt Nam đến Malaysia du lịch hơn.
Vừa rồi ngài có nhắc tới vấn đề du lịch, vậy xin Đại sứ chia sẻ một số kinh nghiệm của Malaysia về quảng bá du lịch?
Không thể nói là điều gì là tốt cho phát triển du lịch, khách châu Âu thích kiểu khác mà châu Á thích kiểu khác. Khách du lịch Đông Nam Á, có xu hướng thích mua sắm, nên người dân Malaysia có thích tới TP Hồ Chí Minh để du lịch, vì ở đây có nhiều thứ mà người dân Malaysia thích mua, điển hình như vải. Vì thế nếu Hà Nội cũng muốn thu hút khách du lịch Malaysia nói riêng thì cần phát triển thêm các khu trung tâm mua sắm.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn nên giữ nét văn hóa như hiện tại, bởi TP Hồ Chí Minh phát triển những không khác những TP khác ở Đông Nam Á như Kuala Lumpur, Bangkok… là mấy. Còn Hà Nội thì khác hẳn, khách du lịch châu Âu vẫn muốn khám phát nét văn hóa, di tích lịch sử như ở Hà Nội.
Đại sứ đã có nhiều năm công tác tại Việt Nam, vậy xin ngài cho biết cảm nhận về Tết cổ truyền của Việt Nam?
Tôi đã hai lần trải nghiệm Tết cổ truyền của Việt Nam. Qua trí nhớ của tôi, khi gần tới Tết cổ truyền của Việt Nam, mọi người thường đua nhau đi mua sắm đồ mới, trang trí nhà, quét dọn nhà cửa để chờ đón những điều may mắn sẽ đến trong năm tới. Vào ngày mùng 1 Tết, ngoài đường phổ rất vắng vẻ, bởi các gia đình thường đón Tết ở nhà hoặc tới chúc tết người thân. Vào ngày này, tôi cảm nhận được rõ Hà Nội cũng sẽ có những thời điểm tĩnh lặng và không còn ồn ào, náo nhiệt như ngày thường, điều này rất tuyệt vời.