Kinhtedothi - Hội nghị trực tuyến tổng kết và triển khai nhiệm vụ của ngành tài chính (ngày 30/12) có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Chia sẻ với các đơn vị, Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động tập trung phấn đấu của ngành, thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, điều hành thu - chi ngân sách chặt chẽ, kiểm soát chặt giá cả, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Báo cáo tình hình hoạt động, thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mặc dù sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số DN phải tạm ngưng hoạt động, giải thể, phá sản vẫn tăng... nhưng tính đến 29/12, ngành tài chính về cơ bản đã hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2013 như dự toán Quốc hội giao. Những tháng cuối năm, với tinh thần phấn đấu quyết liệt, đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy nhanh việc xử lý nợ đọng thuế theo đúng quy định của pháp luật; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… đã góp phần giúp tổng thu NSNN (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đạt khoảng 99% dự toán. Nhiều địa phương trọng điểm thu đạt và vượt dự toán được giao như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc...
Trong công tác quản lý chi ngân sách, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các cơ quan T.Ư và địa phương triệt để tiết kiệm chi tiêu trong phạm vi dự toán được giao; chống lãng phí; rà soát cắt, giảm tối đa các khoản chi đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả. Kết quả, tổng chi NSNN ước đạt dự toán Quốc hội đã quyết định. Đảm bảo giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã cho phép điều chỉnh là 5,3% GDP.
Năm 2014, với mục tiêu cân đối thu chi NSNN, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng, dự toán thu là 782.700 tỷ đồng trong đó dự toán thu nội địa 539.000 tỷ đồng và thu từ xuất nhập khẩu là 154.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã làm việc với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị này tăng chỉ tiêu thu.
Với những kết quả đạt được trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, dù phải chịu nhiều sức ép song ngành tài chính cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa tốt hơn. Người đứng đầu Chính phủ cũng giao nhiệm vụ ổn định vĩ mô, kìm chế lạm phát thúc đẩy tăng trưởng của toàn ngành. "Năm tới, nhiệm vụ nặng nề hơn là phải huy động vốn để tăng đầu tư mà không tăng lạm phát. Tinh thần là phải giảm bội chi để ổn định vĩ mô, giảm nợ công" - Thủ tướng chỉ đạo. Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh chính sách tài khoá phải thực hiện nghiêm các luật thuế, quản lý thuế... tạo thuận lợi cho DN nhưng vẫn phải thu đúng, thu đủ. Đặc biệt trong vấn đề quản lý giá, Thủ tướng yêu cầu từ nay đến Tết Nguyên đán bảo đảm cung cầu không để thiếu hàng, sốt giá; phải công khai minh bạch hình thành giá, kiên định giá thị trường với tất cả hàng hoá, dịch vụ. Theo Thủ tướng, chúng ta đã đi một bước dài để không phải bù lỗ xăng dầu. Giá điện Chính phủ đã kiên quyết thực hiện tính đúng, đủ, không thấp hơn giá thành khi bán cho ngành than, xi măng, thép... vì vậy, trong năm tới điện không còn phải bù lỗ nữa. Và không chỉ riêng ngành điện, Thủ tướng yêu cầu các ngành hàng thiết yếu khác cần sớm đẩy nhanh việc thực hiện công khai minh bạch đến người dân, nền kinh tế, không để tình trạng dành không ít ưu đãi nhưng hiệu quả lại không cao.
Làm thủ tục hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|
Thực hiện Đề án tái cơ cấu được phê duyệt, đến nay, Tập đoàn (TĐ) Than Khoáng sản Việt Nam đã chuyển 6 Công ty TNHH MTV sản xuất than thành Chi nhánh của TĐ, phối hợp cùng Bộ Quốc phòng bàn giao Tổng Công ty Đông Bắc về Bộ Quốc phòng quản lý. TĐ Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc mô hình TĐ, chuyển thành Tổng Công ty (TCT) Công nghiệp tàu thủy với mô hình mới bao gồm: Công ty mẹ - TCT và 8 Công ty con 100% vốn Nhà nước; bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp. TĐ Điện lực Việt Nam đã được Bộ Công Thương quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức hoạt động của 3 TCT phát điện độc lập; TĐ Dệt may Việt Nam đã báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hoá phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ... |