Từ đầu năm đến nay, Tổng cục DTNN đã thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính tổ chức xuất gạo dự trữ quốc gia (DTQG) để hỗ trợ các địa phương là 77.172 tấn gạo, bao gồm: 13.063 tấn gạo cứu trợ cho Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; 13.462 tấn gạo cho nhân dân để cứu đói giáp hạt; 5.595 tấn gạo cứu đói hạn hán cho Nhân dân; 1.982 tấn gạo hỗ trợ dự án trồng rừng; 43.070 tấn gạo hỗ trợ cho học sinh (trong đó học kỳ II năm học 2014-2015 là 28.889 tấn và tạm ứng 2 tháng đầu năm học 2015-2016 là 14.181 tấn) theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg.
Không chỉ nỗ lực đảm bảo đủ số lượng gạo cần xuất cấp cho người dân, mà chất lượng gạo cũng được Tổng cục DTNN, các đơn vị DTNN quan tâm hàng đầu.
Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng Dương Đức Minh, trong những năm qua, Tổng cục DTNN đã thực hiện nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ Nhà nước đối với gạo. Khi tổ chức mua gạo nhập kho, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị Cục DTNN khu vực tuân thủ đúng quy định về chất lượng gạo dự trữ do Bộ Tài chính quy định, đảm bảo gạo nhập kho tỷ lệ 15% tấm, tỷ lệ độ ẩm không quá 14%, tỷ lệ tạp chất không quá 0,2%.
Tổng cục DTNN cũng thực hiện kiểm tra sát sao đối với toàn bộ số gạo nhập kho tại tất cả 100% các Cục DTNN khu vực và chi cục DTNN để đảm bảo không để xảy ra hiện tượng gạo không đảm bảo chất lượng bảo quản trong kho.
Với công nghệ bảo quản kín hiện nay Tổng cục DTNN đang áp dụng đối với lương thực thì sau thời gian lưu kho theo quy định chất lượng gạo vẫn đảm bảo như khi nhập kho.
Chính vì vậy, gạo DTQG xuất kho cho các địa phương luôn được đảm bảo về chất lượng theo đúng quy định.
Đối với ngành DTQG, chất lượng gạo dự trữ là thể hiện trình độ kỹ thuật, công nghệ bảo quản, năng lực và đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, quan trọng nhất của toàn ngành, cũng như từng đơn vị.
Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng Dương Đức Minh khẳng định, gạo DTQG khi xuất cấp cho người dân đều được kiểm tra kỹ. Ở mỗi điểm giao nhận, các bên đều trực tiếp lấy mẫu gạo đánh giá chất lượng thông qua đánh giá cảm quan, kiểm tra thực tế các bao gạo giao nhận, trên cơ sở đó các đơn vị DTQG tiến hành lập biên bản giao nhận với địa phương. Chính vì vậy, qua các đợt xuất cấp, chất lượng gạo luôn được người dân và địa phương đánh giá cao.
Còn về phía của địa phương, công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng gạo DTQG cũng được phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị và chính quyền địa phương. Toàn bộ số gạo xuất cấp đều có danh sách kèm theo được lập từ cơ sở.
Tuy nhiên, ông Dương Đức Minh trong cho rằng, quá trình cấp phát gạo tại các địa phương, không tránh khỏi còn một số hạn chế, bất cập. Trước hết là việc rà soát đối tượng được hỗ trợ gạo ở một số địa phương còn chậm. Số liệu báo cáo, tổng hợp chưa chính xác.
Hồ sơ xét chọn đối tượng tại nhiều thôn, bản chưa được lưu giữ cẩn thận nên đã xảy ra nhầm lẫn về đối tượng thụ hưởng. Có địa phương sau khi được cấp gạo đã phải tổ chức bình xét, phân phối lại, ảnh hưởng đến thời gian giao, nhận gạo. Đặc biệt, hiện nay các hộ có nguy cơ thiếu đói chủ yếu rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo đặc biệt khó khăn sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nơi có hạ tầng giao thông đi lại hết sức khó khăn. Do vậy, việc vận chuyển gạo đến cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng Dương Đức Minh Dương Đức Minh để khắc phục những bất cập trên, một số địa phương kiến nghị Nhà nước cấp kinh phí để vận chuyển và giao gạo đến học sinh tại trung tâm xã, hoặc tại trường. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ gạo trong thời gian sớm nhất để thuận tiện cho địa phương tổ chức cấp phát.
Đối với việc hỗ trợ gạo cho học sinh, các địa phương cũng đề nghị Tổng cục DTNN cho cấp phát gạo hỗ trợ ngay từ tháng đầu của mỗi học kỳ, để việc tổ chức và vận động phụ huynh cho con học bán trú ở các trường được thuận lợi.
Về phía Tổng cục DTNN khẳng định trong mọi hoàn cảnh đều tổ chức triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính rất kịp thời, Tổng cục cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tiếp nhận phân bổ số gạo được hỗ trợ sớm nhất kể cả việc số lượng gạo tiếp nhận trong từng đợt và số lần tiếp nhận gạo trong từng đợt hỗ trợ.
Về vấn đề kinh phí tổ chức triển khai cấp phát gạo, nhất là khâu vận chuyển, mua bù số lượng gạo đã xuất cấp cho các địa phương, Tổng cục DTNN đang trình Bộ Tài chính sớm bổ sung dự toán để triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo đúng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Ảnh minh họa.
|