Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo tính thống nhất của pháp luật vì quyền lợi của người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, cùng với việc kiện toàn tổ chức, cán bộ, nhiệm vụ công tác của ngành Tư pháp thường xuyên được bổ sung cả về số lượng đầu việc và khối lượng công việc, địa bàn triển khai công tác cũng mở rộng gấp 4 lần so với trước.

Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác gặp không ít khó khăn, thách thức.

Rà soát, thống nhất hệ thống văn bản sau hợp nhất

5 năm qua, TP đã ban hành hơn 600 văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản đều được thẩm định trước khi ban hành, đúng trình tự quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND, UBND. Đặc biệt, trong 2 năm 2008 - 2009, TP đã tiến hành tổng rà soát, thẩm định hơn 400 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính TP, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành của TP  rà soát, hệ thống hóa và thực hiện việc nhất thể hóa hệ thống VBQPPL của các địa bàn cũ, hoàn chỉnh hệ thống VBQPPL của TP. Đã rà soát 1482 VBQPPL gồm 1.304 văn bản của Hà Nội (cũ), 178 văn bản của Hà Tây (cũ), trong đó có 80 Nghị quyết của HĐND, 1262 Quyết định và 140 Chỉ thị.

 
Đảm bảo tính thống nhất của pháp luật vì quyền lợi của người dân - Ảnh 1

Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Từ Liêm. Ảnh: Hải Linh

Năm 2011, UBND TP tổ chức tổng rà soát toàn bộ các VBQPPL do HĐND, UBND TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành từ ngày 1/8/2008 đến ngày 31/12/2010. Kết quả đã tổng hợp, trình Chủ tịch UBND TP công bố danh mục rà soát văn bản quy phạm với tổng số 417 văn bản, trong đó xác định: 170 văn bản đang còn hiệu lực, 129 văn bản hết hiệu lực thi hành, 36 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, 53 văn bản đề nghị ban hành mới thay thế, 29 văn bản đề nghị bãi bỏ; văn bản của 24 quận, huyện, thị xã với tổng số 5.091 văn bản (3.546 Nghị quyết, 1.376 Quyết định, 169 Chỉ thị), trong đó: 1.697 văn bản còn hiệu lực, 3.394 văn bản hết hiệu lực thi hành.

Công tác kiểm tra VBQPPL của TP đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu.  Việc tổ chức các đoàn kiểm tra được Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành tổ chức tốt, duy trì thường xuyên. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác ban hành, kiểm tra văn bản tại đơn vị. Ông Đỗ Minh Sơn - Trưởng phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp cho biết, nguyên tắc để xây dựng văn bản pháp quy là phải đảm bảo được tính thống nhất của hệ thống pháp luật và áp dụng được cho mọi đối tượng. Tuy nhiên, khi mở rộng địa giới, do địa bàn rộng, chưa đồng đều về kinh tế, đặc thù từng địa phương, xã hội… nên khi xây dựng văn bản, cơ quan tham mưu phải đồng thời thực hiện các bước lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, mời các cơ quan MTTQ TP, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào quá trình phản biện để phát huy vai trò phản biện... Nhờ vậy, vai trò thẩm định của Sở Tư pháp khi tham mưu giúp lãnh đạo TP đã thể hiện được chiều sâu, mang tính xã hội cao.

Hoàn thiện hệ thống văn bản

Từ năm 2010 - 2012, Sở Tư pháp tham mưu UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp trình Quốc hội việc tổng kết 9 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô. Tham mưu UBND TP phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô với tiến độ, chất lượng cao, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vào tháng 10/2012.  Năm 2013, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành xây dựng dự thảo VBQPPL của UBND TP và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP do UBND TP trình để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô. Đến nay, các văn bản thuộc thẩm quyền của TP đã được hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ khi Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7/2013.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, thực chất hơn và hướng mạnh về cơ sở. Hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL TP được duy trì thường xuyên, liên tục, chỉ đạo tổ chức nhiều chương trình về pháp luật trên địa bàn. Với nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng về hình thức, tập trung vào một số VBQPPL mới ban hành, có tác động nhiều đến đời sống dân sinh, vì vậy đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tìm hiểu. UBND TP đã chỉ đạo xây dựng 10 chi nhánh Trợ giúp pháp lý (TGPL), phát triển mạng lưới Cộng tác viên TGPL tại các quận, huyện, thành lập gần 100 Câu lạc bộ TGPL ở các xã, phường, thị trấn. Hoạt động TGPL trong lĩnh vực tố tụng đạt kết quả tốt, đã có hàng ngàn trường hợp đối tượng chính sách được cử luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại các phiên tòa, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Sau 5 năm hợp nhất, công tác xây dựng VBQPPL của TP đã đi vào nền nếp, đúng kế hoạch. Hệ thống VBQPPL thường xuyên được kiểm tra, rà soát, ngày càng được hoàn thiện, kịp thời cụ thể hóa các văn bản pháp luật của T.Ư phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của TP; Nhất thể hóa khối lượng VBQPPL đồ sộ để duy trì tính thống nhất theo quy định luật pháp nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp và mọi người dân.