Ảnh minh họa |
Ở một khía cạnh khác, nhiều chủ hôn vì mời nhiều nên khi mời cũng giản tiện như phát đi thông cáo. Nhiều người mời cưới mà chỉ nhắn nhủ sơ sài dăm ba câu qua Facebook hoặc chụp tấm thiệp cưới rồi tag tên cả chục người, khách không biết nên cảm thấy “được” mời hay “bị” mời. Hoặc mời theo hình thức nhắn tin qua mạng xã hội, qua tin nhắn điện thoại: "Ngày 12/3 kính mời anh (chị) đến dự bữa cơm thân mật cùng gia đình… tại Trung tâm tiệc cưới Trống Đồng…" cũng được coi là hình thức giản tiện. Nhớ lại trước đây, giao thông đi lại khó khăn, liên lạc hẹn gặp không dễ nhưng ông bà ta vẫn đến từng nhà, gửi từng tấm thiệp đến các vị khách. Nhiều gia đình Hà Nội còn kèm chiếc bánh cốm, lá trầu, quả cau như hình thức thông báo lời mời sau đám hỏi. Ngày nay, công nghệ phát triển nhưng cũng không thể thiếu thời gian để chủ hôn gọi một cú điện thoại, mời chân tình đến các vị khách.
Ngoài những tình huống khó xử dành cho các vị khách nhận lời mời không mong muốn, thì nhiều chủ hôn cũng gặp khó khi tổ chức đám cưới. Nhiều người có bản tính soi xét, trước họ tổ chức đám cưới có mời chủ hôn hiện nay, giờ vì muốn giảm tiện, tránh mời số đông nên đã không mời lại. Việc làm này đôi khi cũng bị trách là không đáp lễ. Các cụ ta vẫn thường nói "ma chê, cưới trách", một đám cưới diễn ra sẽ chẳng thể nào có được sự hài lòng của tất cả khách mời. Tuy nhiên, từ khâu mời cưới, cô dâu - chú rể hãy chú ý để tránh gây hiểu lầm và khó chịu cho bạn bè, để ngày vui của bản thân thêm trọn vẹn và ý nghĩa. Những vị khách cũng đặt địa vị của người khi nhà có việc để xuề xòa bỏ qua những sai sót nhỏ nhặt.