Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày (26 - 27/3) tại Seoul, Hàn Quốc được cho là cơ hội để ba nền kinh tế chiếm tới 20% GDP toàn cầu vẽ lại bản đồ thương mại thế giới.
Năm 2002, khi Trung Quốc vừa bắt đầu bước vào "kỷ nguyên vàng" với tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm đã đề xuất sáng kiến thành lập FTA Trung - Nhật - Hàn. Tuy nhiên, quá nhiều vướng mắc do lịch sử để lại đã buộc tam giác quyền lực Đông Bắc Á phải gạt sang một bên tham vọng thành lập khối kinh tế làm đối trọng với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Sau hơn một thập kỷ chỉ tồn tại trên giấy tờ, sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu của EU và Mỹ đã buộc Trung - Nhật - Hàn, ba nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu phải liên kết với nhau để gia tăng sức mạnh. Bên cạnh đó, sự ra đời của FTA Trung - Nhật - Hàn với tổng dân số 1,5 tỷ người sẽ tạo tiền đề để nền kinh tế lớn thứ 2, thứ 3 của thế giới và thứ 4 châu Á gia tăng tầm ảnh hưởng với thị trường, chính trường toàn cầu.
Đại diện ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (từ trái sang) trước khi bước vào bàn đàm phán. Ảnh AFP
Không những thế, hiệu ứng từ FTA sẽ lan tỏa tích cực tới khu vực Đông Nam Á khi hợp tác ASEAN với 3 quốc gia này đã hội tụ đủ điều kiện để chuyển sang một giai đoạn mới như thành lập một FTA chung cho ASEAN+3 với tên gọi Khu vực tự do thương mại Đông Á (EAFTA). Nếu ý tưởng trên thành hiện thực, EAFTA sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với tổng GDP gần 3.000 tỷ USD và thị trường gồm 2 tỷ người. Thậm chí, trong tương lai không xa, sáng kiến FTA của ASEAN+6, thêm ba nước Ấn Độ, Australia và New Zealand, sẽ mang đến diện mạo mới cho các nền kinh tế năng động bậc nhất, chiếm 30% GDP toàn cầu và dân số chiếm 50%.
Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực thu hút sự quan tâm của Mỹ, từ vị thế của những đối thủ cạnh tranh chủ yếu, Trung - Nhật - Hàn phải tìm cách hợp tác để kiềm chế lẫn nhau. Trên thực tế, với sự hậu thuẫn của Nhật Bản, Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm đảm bảo quyền lợi trong cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Với Bắc Kinh, để đối phó với việc Tokyo, Washington nắm vai trò chủ đạo trên sân chơi thương mại châu Á, Trung Quốc không có cách nào khác là phải thúc đẩy FTA Trung - Nhật - Hàn để lôi kéo Nhật Bản và kiềm chế Mỹ. Còn Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ cũng không thể bỏ qua cơ hội tham gia FTA của bộ ba Đông Bắc Á để trở thành cầu nối giúp Washington thâm nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kể từ khi Bắc Kinh đề xuất FTA Trung - Nhật - Hàn, kim ngạch thương mại giữa 3 nước đã tăng hơn 5 lần và hiện đã vượt quá 690 tỷ USD. Vì thế, dù mỗi nước đang theo đuổi những toan tính riêng, lợi ích quá lớn trong mối quan hệ các bên cùng có lợi sẽ buộc ba nước phải thực hiện cái bắt tay chiến lược để hiện thực hóa FTA.