Ngày nào cũng vậy, công việc của những người làm nghề mổ trâu, bò thủ công ở làng Bái Đô bắt đầu từ 24 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Mỗi ngày có hàng trăm con trâu, bò xếp hàng chờ đến lượt đưa vào các lò mổ. Tiếng động cơ xe ô tô, xe máy của các tiểu thương đến lấy hàng đi tiêu thụ, tiếng loảng xoảng của xô, chậu, dao, búa và tiếng trâu, bò bị giết làm náo động cả làng. Điệp khúc này đã kéo dài suốt nhiều năm qua ở đây. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước sinh hoạt cũng ngày một nghiêm trọng. Người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền các cấp mong có biện pháp làm giảm ô nhiễm môi trường và đề nghị lập qui hoạch khu giết, mổ trâu, bò tập trung cách xa khu dân cư, song mãi chưa thấy hồi âm (!).
Hiện tại, cả làng có hơn 50 lò mổ lớn, nhỏ. Lò mổ nhiều, mỗi ngày làm thịt khoảng 10 con trâu, bò, lò ít thì cũng 4 đến 5 con. Đa phần các lò mổ này nằm ngay giữa làng và ven tỉnh lộ 428. Do chưa có qui hoạch xử lý chất thải, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung mà ở đây, đang bị ô nhiễm nặng. Thậm chí, nhiều chủ lò lại có "sáng kiến" cho phân vào bao tải rồi xếp thành đống ở ven đường. Xương trâu, bò vứt chỏng chơ khắp nơi chờ bán. Nhiều khi, chưa có người đến thu mua, các chủ lò cho vứt xuống mương nước quanh làng.
Được biết, UBND huyện Phú Xuyên đã có kế hoạch chuyển toàn bộ các lò mổ trâu, bò thủ công ở xã Tri Thủy vào khu lò mổ tập trung cách xa dân cư, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, hiện nay công tác GPMB cho khu giết, mổ trâu, bò tập trung lại đang gặp khó khăn do những bất đồng về thiết kế và giá cả bồi thường đất. Ông Nguyễn Văn Dục, người làng Bái Đô bộc bạch: Từ khi nghe thông báo huyện có chủ trương qui hoạch khu giết, mổ trâu, bò tập trung với diện tích hơn 3ha tôi rất phấn khởi vì lò mổ nhà mình sắp được chuyển tới địa điểm mới. Bản thân tôi cũng như nhiều gia đình khác sẽ không còn phải làm nghề trong những lò mổ chật hẹp ra đụng vào chạm, mất vệ sinh này nữa. Quan trọng hơn là việc môi trường sống của người dân quê tôi được cải thiện, không bị ô nhiễm như hiện nay.
Trưởng thôn Bái Đô Phạm Đình Chức tâm sự: Nhiều lần họp HĐND xã tôi đã kiến nghị, đề xuất giải pháp cần sớm qui hoạch khu mổ trâu, bò tập trung tránh xa khu dân cư không chỉ vì vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn vì nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật sau này, bởi vì 100% người dân trong làng vẫn sử dụng nước giếng khoan hàng ngày. Khi biết chuẩn bị có đơn vị về làm tư vấn thiết kế khu lò mổ, chúng tôi mừng lắm vì môi trường sống của dân làng sẽ được đảm bảo hơn. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là… mơ ước, chưa biết bao giờ thành hiện thực (!?).
Để sớm có khu giết, mổ trâu, bò tập trung tại xã Tri Thủy, rất cần có sự đồng thuận của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp huyện Phú Xuyên.