Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân Hà thành sẵn sàng bỏ tiền triệu để có rau sạch ăn

Chia sẻ Zalo

“Chi phí bỏ ra ban đầu dù lên tới tiền triệu hay thậm chí cả chục triệu đồng nhưng được ăn rau sạch do chính tay mình ươm mầm, chăm sóc thì dù đắt đến mấy cũng không thành vấn đề”. Đây chính là những lời chia sẻ của hầu hết hộ gia đình tự trồng rau sạch tại nhà.

Những năm gần đây, việc trồng rau trong thùng xốp trên sân thượng được cho là một cách ứng phó hiệu quả nhất của người dân đối với tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là rau củ như hiện nay.

Với những khoản chi phí nhỏ ban đầu để mua thùng xốp, các giá thể, hạt giống hay lớn hơn là xây dựng hệ thống chống thấm thì việc tự trồng rau tại nhà được coi như giúp giảm một phần chi phí trong sinh hoạt hằng ngày.
Chi phí cho việc trồng rau trên sân thượng phụ thuộc nhiều vào quy mô, diện tích trồng.
Chi phí cho việc trồng rau trên sân thượng phụ thuộc nhiều vào quy mô, diện tích trồng.
Đối với hộ gia đình anh Nguyễn Hiểu Biết (Hoàng Mai, Hà Nội), ngoài việc phục vụ đam mê thì lý do chính để trồng rau tại nhà là sự mất lòng tin về vấn đề rau củ bày bán ngoài thị trường. Bởi vậy, để có vườn rau sạch, gia đình anh Biết đã lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh ở ban công trên căn hộ tầng 20 của gia đình.

Được biết, diện tích ban công của gia đình anh Biết rộng chưa đầy 2m2 nhưng đã có tới 160 giỏ rau các loại đủ để cung cấp rau sạch cho gia đình. Anh Biết cho hay, so với việc trồng rau trong thùng xốp đơn thuần thì để có được một mô hình trồng rau thủy canh tại nhà sẽ mất chi phí đầu tư lắp đặt lớn hơn một chút. Song, thực tế nhiều gia đình có tiền cũng không thể mua được rau sạch để ăn. Vì vậy, được ăn rau sạch do chính tay mình ươm mầm, chăm sóc dù đắt đến mấy cũng không thành vấn đề.

Với mô hình hiện tại của gia đình, anh Biết đã bỏ ra khoảng hơn 4 triệu đồng cho việc lắp đặt hệ thống giá đỡ cố định. Còn các nguyên vật liệu để trồng, chăm sóc rau khác có giá thành rất rẻ. “Những thùng xốp mình có thể tận dụng xin hoặc mua với giá khoảng 15.000-20.000 đồng/chiếc. Những giỏ nhựa được mua với giá 2.000 đồng/chiếc. Còn phí cho việc mua các giá thể như trấu hun hay xơ dừa… thì không đáng là bao. Với những gia đình có sẵn hệ thống bệ đỡ thì người trồng có thể tận dụng từ chính những vật dụng phù hợp trong gia đình để làm giỏ cho tiết kiệm”, anh Biết chia sẻ.

Dù công việc kinh doanh rất bận rộn nhưng để có vườn rau sạch, chị Nguyễn Thu Hà (Đồng Đa, Hà Nội) đã tận dụng những thùng xốp để trồng rau tại nhà. Chị Hà cho biết: “Gia đình mình chỉ có khoảng 15 thùng trồng rau, đa phần là trồng những loại rau thơm vì là loại rau ăn sống. Mình rất muốn tăng số lượng và thêm nhiều loại rau khác nhau nhưng không có diện tích nên đành chịu. Còn về mặt chi phí bỏ ra thì chỉ mấy trăm nghìn, thậm chí có tốn kém đến mấy, nếu có diện tích và thời gian thì tôi vẫn tận dụng để trồng rau”.

Còn đối với chị Nguyễn Thị Huyền (Tây Hồ, Hà Nội), không chỉ muốn thưởng thức rau sạch do chính tay mình trồng, chị còn trồng cả cây ăn quả trong thùng xốp trên căn nhà cao tầng của gia đình. Chị Huyền cho biết: “Ban đầu mình chỉ trồng một số loại rau phục vụ cho gia đình, nhưng một lần được người bạn tặng cho cây chanh đào mình đã trồng vào thùng xốp đặt ngoài ban công. Thấy cây phát triển nhanh và cho rất nhiều quả nên mình đã nảy sinh ý định trồng thêm các loại cây ăn quả khác nhau”.
Vườn sau xanh của anh Biết trên tầng 20.
Vườn sau xanh của anh Biết trên tầng 20.
Sau hơn 3 năm trồng rau củ, quả với số lượng thùng xốp lên tới hơn 30 thùng thì khoản chi phí chị bỏ ra rất mất khoảng 2 triệu trở lại. Để có được đất trồng cây, chị Huyền đã nhờ người mua đất phù sa ở sông Hồng với giá 150.000 đồng/ bao. Còn thùng xốp thì chị đi mua với giá 20.000 đồng/chiếc. Về hạt giống, chỉ khoảng 10 -15.000 nghìn/gói cũng đủ cho chị gieo trồng nhiều lần.

Ngoài ra, hằng ngày chị Huyền còn cho thức ăn thừa vào thùng để lấy nước phân hủy tưới cây. Theo chị Huyền, cách này không chỉ giúp tiết kiệm tiền mua phân bón mà còn đảm bảo tính an toàn cho cây. Bên cạnh đó, mỗi một lứa rau được trồng, chị Huyền đều ngắt rau một cách hợp lý để ăn nhiều lần, khi nào rau cằn hết thì chị mới bỏ. Chị Huyền bật mí nên ngắt lá non và ngọn rau, tỉa lá già, chứ không nhổ cả cây như ngoài chợ.

Với diện tích ban công bên ngoài rộng khoảng 30m2, vườn rau của ông Chính ở Cầu Giấy, Hà Nội được phân chia, đánh luống một cách cẩn thận. Do trồng rau trên sân thượng cùng với diện tích lớn nên để ngăn chặn việc thấm dột ông Chính thiết kế hệ thống chống thấm hiện đại khi mặt sàn sân thượng được quét lớp chống thấm và thoát nước rồi mới đổ đất lên trồng.

Không chỉ trồng rau và các loại cây ăn quả ngắn ngày, gia đình ông Chính còn có hơn 30m2 được thiết kế làm chuồng để nuôi gà và chim trĩ. Hiện tại, trong chuồng có khoảng 40 con gà, trong đó có 6 con gà đẻ trứng, số còn lại là gà thịt.

Chi phí đầu tư cho “trang trại mini” của ông Chính có thể khá cao nhưng nó lại tạo hiệu quả lâu dài. Chỉ tính riêng chi phí cho vườn rau cũng vào khoảng 20 triệu đồng, còn nếu tính cả việc chăn nuôi thêm thì tổng chi phí lên tới 30-40 triệu đồng.

Nói về số vốn đầu tư này, vợ chồng ông Chính cho hay: “Gia đình tôi cảm thấy không yên tâm khi ăn rau ngoài thị trường dù giá thành rẻ nhưng lại luôn thấp thỏm nỗi lo về thực phẩm nhiễm chất độc hại. Ban đầu chúng tôi nghĩ số vốn bỏ ra cho vườn rau là lớn nhưng tính ra, nếu biết cách chăm bón, vườn sẽ cung cấp rau sạch quanh năm”.