Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân hoang mang về độ an toàn của hộp kỹ thuật điện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tình trạng dây thòng lọng vẫn còn trên hè, đường phố; việc hạ ngầm dang dở, đặc biệt là việc TCty Điện lực HN lắp đặt các hộp kỹ thuật điện trên hè phố ở những vị trí thấp gây mất an toàn,

KTĐT - Tình trạng dây thòng lọng vẫn còn trên hè, đường phố; việc hạ ngầm dang dở, đặc biệt là việc TCty Điện lực HN lắp đặt các hộp kỹ thuật điện trên hè phố ở những vị trí thấp gây mất an toàn, khiến dư luận hết sức lo ngại. Về nội dung này, ông Hồ Viết Thống - Phó ban Kỹ thuật TCty Điện lực HN - đã trao đổi với PV.

Ngắt điện ngay nếu úng ngập

Hiện TCty đang lắp đặt khá nhiều hộp kỹ thuật điều khiển điện trên hè phố, trong đó có khá nhiều khu vực thấp như các phố Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng... Hơn nữa, các mối nối vào đầu hộp đều hở. Trong trường hợp xảy ra úng ngập sẽ rất nguy hiểm, thưa ông?

- Tôi khẳng định, các tủ điện được bố trí trên bệ móng, độ cao được tính toán phù hợp với người thao tác và hạn chế gây ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh. Thông thường, độ cao bệ móng tối thiểu khoảng 30cm. Tại một số nơi có khả năng xảy ra ngập lụt sẽ bố trí cao hơn.

Đầu cáp có hai loại kín và hở. Về mặt kỹ thuật, loại kín chịu được ngập nước, loại hở không chịu được ngập nước. Tuy nhiên, khi có nguy cơ ngập nước đối với cả hai loại này, các đơn vị quản lý sẽ cắt điện.

Thời điểm này đang là mùa mưa bão. Để đảm bảo an toàn, cấp điện ổn định, TCty có những biện pháp nào?

- Ngay từ đầu mùa mưa bão, TCty đã lập phương án sửa chữa lớn, đảm bảo trên lưới điện, đã thay thế các thiết bị không đảm bảo an toàn trong trạm biến áp, tôn nền, nâng cao tủ hạ thế hạn chế úng ngập. Với các đường dây bổ sung tiếp địa bị đứt, mất, đã thay sứ vỡ, lấy lại độ võng, gia cố móng, xử lý cột nghiêng, phát quang hành lang tuyến.

Và riêng với Hà Nội, ông có khuyến cáo gì với người dân nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những tai nạn về điện khi xảy ra mưa bão, úng ngập?

- TCty hiện quản lý một hệ thống lưới điện lớn và phức tạp (có lưới hạ áp, trung áp và cao áp). Riêng với Hà Nội, mưa bão là yếu tố đe doạ và khi mưa lớn gây úng ngập trong TP nên có thể gây rò rỉ điện từ các thiết bị điện. Do vậy, khi phát hiện các bất thường về điện, người dân có thể gọi báo ngay về số điện thoại 22222000 hoặc báo cho cơ quan CA nơi gần nhất. Khi xảy ra mưa bão thì không nên ra đường. Nếu đang ở trên đường thì không nên đứng dưới đường dây điện, không đứng cạnh hoặc sờ vào cột điện, trạm biến áp, tủ điện vệ đường, không trú mưa tại những khu vực này. Khi phát hiện nhà bị nước tràn vào hãy cắt điện nhà mình và chuyển thiết bị điện lên vị trí trên cao, không ngập nước. Bảng điện, ổ cắm, công tắc điện nên lắp ở vị trí cao trên 1m và thường xuyên kiểm tra.

 Giám sát chặt các công trình ngầm hoá điện

Việc ngầm hoá hiện gây ảnh hưởng khá nhiều đến việc tham gia giao thông và việc kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Vậy đến thời điểm nào sẽ kết thúc dự án này, thưa ông?

- Chủ trương ngầm hoá là chủ trương đúng đắn của TP. Các đơn vị quản lý lưới điện của TCty luôn tạo điều kiện, giám sát và đôn đốc chặt chẽ các đơn vị tham gia hạ ngầm lưới điện, nhằm thi công nhanh, đảm bảo kỹ - mỹ thuật, giảm bớt ảnh hưởng cho người dân. Về tiến độ, việc ngầm hoá lưới điện là một quá trình gồm nhiều giai đoạn tuỳ thuộc vào nguồn vốn. Trước mắt mới chỉ thực hiện ở một số trục đường chính. Trong thời gian này, rất mong người dân chia sẻ với ngành điện.