Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân khổ vì mặt đường nham nhở

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một loạt dự án được triển khai thực hiện, bề mặt phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) hiện ở trong tình trạng rất nham nhở. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân dọc hai bên tuyến phố.

Phố Lê Trọng Tấn dài khoảng 2km, nối từ điểm giao cắt với đường Trường Chinh tới bờ sông Lừ. Tuyến phố có mặt cắt vừa đủ hai chiếc xe ô tô tránh nhau; dù không quá dài nhưng có nhiều điểm giao cắt với mật độ phương tiện lưu thông lớn. Theo ghi nhận của phóng viên, mặt đường phố Lê Trọng Tấn hiện rất lem nhem. Phần làn đường hướng từ bờ sông Lừ đi ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng cao hơn làn đối diện, có đoạn lên tới 5 - 10cm. Nằm rải rác dọc tuyến phố là những ổ gà, rãnh nứt sâu, nắp hố ga nhô cao... Tình trạng ô nhiễm bụi trên tuyến phố cũng đang trở thành vấn đề nan giải. Mặc dù ngày nào cũng có công nhân vệ sinh mặt đường nhưng bụi vẫn bay mù mịt mỗi khi có xe ô tô chạy qua.

 
Cuối tuyến phố Lê Trọng Tấn do các đơn vị thi công chậm hoàn trả mặt đường, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.  	Ảnh: Lâm Tùng
Cuối tuyến phố Lê Trọng Tấn do các đơn vị thi công chậm hoàn trả mặt đường, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ảnh: Lâm Tùng

 Theo tìm hiểu, việc mặt đường phố Lê Trọng Tấn nham nhở như hiện nay là do hệ quả của các dự án được thực hiện trong các năm 2011 và 2013. Cụ thể, năm 2011, Dự án cấp nước mặt sông Đà đến quận Thanh Xuân do Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) làm chủ đầu tư đã đào xới phần đường bên số nhà chẵn để đặt đường ống. Việc cải tạo này khiến tuyến phố mang trên mình những "vết sẹo" khó lành. Chưa hết, tháng 5/2013, tuyến phố Lê Trọng Tấn lại chịu thêm một "đợt đại phẫu" để lắp đặt đường ống thoát nước loại lớn thuộc Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II, cải tạo cống ngầm tại 44 tuyến phố nội đô (trong đó có phố Lê Trọng Tấn). Điều đáng nói, tiến độ hoàn trả nguyên trạng cho tuyến phố, đặc biệt là 200m cuối đường đoạn từ Doanh trại Quân đội Nhân dân Việt Nam tới bờ sông Lừ hiện được thực hiện rất chậm.

Một người dân sống trong ngõ 328 phố Lê Trọng Tấn bức xúc cho biết, do 200m cuối tuyến phố mặt đường xấu nên mỗi khi trời nắng là bụi bay mù mịt, trời đổ mưa lại bị ứ đọng nước và nhớp nháp bùn đất khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, mật độ phương tiện lưu thông qua tuyến phố lớn, vỉa hè dành cho người đi bộ chật hẹp, cộng với việc dọc tuyến phố Lê Trọng Tấn có nhiều điểm giao cắt với phố Nguyễn Viết Xuân, phố Trần Điền (lối vào Bệnh viện Bưu Điện), phố Hoàng Văn Thái (đi Khu đô thị mới Định Công),... cũng khiến tình trạng ùn tắc cục bộ thường xuyên xảy ra, trong khi những va chạm không phải là hiếm gặp.

 Mong muốn của người dân sống dọc tuyến phố là các cơ quan chức năng, đặc biệt là đơn vị quản lý giao thông đô thị, nhà thầu Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II sớm có kế hoạch tu sửa, nâng cấp và hoàn tất việc thi công đoạn đường cuối gần bờ sông Lừ, nhằm mang tới sự khang trang cho tuyến phố và an toàn cho người tham gia giao thông.