Năm 2010, đàn ông Trung Quốc chi gần 7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,1 tỷ USD) cho quần áo, bỏ xa 2,8 tỷ nhân dân tệ của phụ nữ. Hơn nữa, thị trường quần áo cao cấp cho nam giới tại đây cũng được dự báo sẽ tăng 9% trong năm 2011, hơn 2% so với mức dự báo đối với phụ nữ.
Nắm bắt được cơ hội này nhanh nhất chính là trung tâm thương mại rộng hơn 5.500 mét vuông có tên Landmark Men dành riêng cho các quý ông ở Hong Kong mới mở tháng 10 vừa qua. Các nhãn hiệu tên tuổi như Valentino Men, Gucci và Louis Vuiton chỉ là một phần nhỏ trong hàng trăm sản phẩm quần áo, nước hoa và đồ dùng cao cấp dành cho đàn ông tại đây. Ông Victor Luis – chủ tịch tập đoàn Coach Retail International ở Thượng Hải - trả lời phỏng vấn trên tờ Los Angles Times rằng tiêu dùng của đàn ông chiếm tới 45% thị trường túi xách cao cấp trị giá 1,2 triệu USD tại Trung Quốc. Còn tại Mỹ, con số này chỉ là 7%. Ông còn nói thêm rằng: "Chúng tôi tin chắc đàn ông cũng có nhu cầu dùng túi xách như tất cả chị em phụ nữ khác". Ông Vinay Dixit – chuyên viên cấp cao tại Trung tâm tư vấn khách hàng của McKinsey Asia cũng trả lời trên CNBC rằng trong 12 tháng qua, trung bình đàn ông Trung Quốc chi nhiều hơn 61% cho nước hoa và 52% cho đồng hồ so với phụ nữ.
Không chịu bỏ lỡ cơ hội này, các nhãn hàng xa xỉ đua nhau ra chiến dịch nhắm vào đàn ông, Dior Home thậm chí đã kịp thiết lập hệ thống 35 cửa hàng di động dành riêng cho nam giới ở Trung Quốc. Burberry – hãng sản xuất áo choàng nổi tiếng – thì mở tới 59 cửa hàng tại 31 thành phố của Trung Quốc với bộ sưu tập quần áo dành cho đàn ông nhiều hơn hẳn các thị trường khác. Số cửa hàng của Louis Vuiton hiện cũng lên tới 36, phân bố tại 29 thành phố trên khắp đại lục. Trong khi đó, năm 2005, con số này chỉ là 10 cửa hàng. Chiến dịch quảng cáo năm 2011 cũng là lần đầu tiên Louis Vuiton sử dụng người mẫu nam châu Á với mục đích thu hút thêm nhiều khách hàng nam giới tại quốc gia này. Các nhãn hàng khác cũng ráo riết mở rộng phân khúc dành cho nam giới. Gucci khởi đầu với chỉ 6 cửa hàng năm 2006 thì giờ cũng đã có 36 hàng. Số cửa hàng của Hermes thì tăng gấp 4 lần từ 5 năm 2005 lên 20 vào thời điểm hiện tại. Bản báo cáo nghiên cứu thị trường Mckinsey Insights China giải thích: “Họ có lý do để khẩn trương như vậy. Đó là trong khi các phân khúc khác đang đứng im hoặc thậm chí là co lại, thì thị trường hàng xa xỉ cho nam giới tại Trung Quốc lại đang bùng nổ mạnh mẽ”. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ chiếm tới hơn 20% doanh thu hàng cao cấp toàn cầu vào năm 2015, đồng thời qua mặt Nhật Bản để trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Lý do chủ yếu cho sự tăng trưởng ấn tượng này chính là sự phát triển của phân khúc hàng cho nam giới. Theo thống kê của McKinsey, nam giới trong phân khúc này có độ tuổi trung bình là dưới 45, đều là những người có học thức, thích du lịch và thường là doanh nhân. Theo giám đốc cấp cao của một nhãn hàng xa xỉ ở Hồng Kông, những năm trước, lượng tiêu thụ hàng cao cấp ở Trung Quốc là kết quả của việc các giám đốc đi nước ngoài và mua hàng về. Ông nói: “Đàn ông chi mạnh tay hơn phụ nữ, họ còn mua quà tặng vợ con, đối tác và cả các quan chức chính phủ nữa”. Nhưng xu hướng đó đang dần thay đổi. Đàn ông hiện nay mua sắm là để tự thưởng cho những nỗ lực và thành tựu của mình. Báo cáo của McKinsey cho biết: “Họ sử dụng các nhãn hiệu cao cấp như một cách để thể hiện đẳng cấp và phong cách cá nhân của mình”. L’Oreal – hãng mĩ phẩm cá nhân nổi tiếng của Pháp – cũng bán được nhiều sản phẩm cho nam giới tại Trung Quốc hơn cả các nước phương Tây. Trong một cuộc hợp báo đầu năm nay, ông Alexis Perakis-Valat - CEO của L’Oreal tại Trung Quốc - cho biết doanh thu năm 2010 của họ lên tới 9.085 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,38 tỷ USD), tăng 11% so với năm 2009 và là năm thứ 10 liên tiếp có mức tăng doanh thu hai con số. Trong một cuộc khảo sát trên 7 quốc gia được thực hiện bởi Luxury Institute tại New York, thái độ đối với hàng xa xỉ tại Trung Quốc tích cực hơn rất nhiều so với các quốc gia giàu có. 75% người Trung Quốc tham gia khảo sát nói rằng mua hàng cao cấp là “bình thường”, trong khi 78% người tiêu dùng tại Anh, Mỹ và Đức được hỏi lại cho rằng điều đó là “xa hoa”.