Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân số cơ học tăng nhanh: Sức ép lên hạ tầng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dân số cơ học tăng nhanh đã là áp lực lớn, trong khi Dự thảo Luật Cư trú đang được trình Quốc hội lần này sửa đổi theo hướng bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố lớn, khiến dân số tăng lên hàng năm có thể nhiều hơn nữa, gây sức ép nặng nề cho hệ thống hạ tầng, dịch vụ công. Đó là những băn khoăn không nhỏ của nhiều ĐB Quốc hội khi thảo luận Dự Luật này.

Điều kiện đăng ký thường trú riêng được đưa ra với các TP trực thuộc T.Ư theo quy định của Luật Cư trú hiện hành và Điều 19 Luật Thủ đô. Cụ thể, khi đăng ký thường trú vào các huyện, thị xã, đòi hỏi công dân phải có thời gian tạm trú tại TP đó từ một năm trở lên. Thời gian này tăng lên 2 năm đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào các quận.
Riêng đăng ký vào quận nội thành Hà Nội, thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, nghĩa là phải tạm trú từ 3 năm trở lên… Những lý giải được đưa ra cho việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú có thể nói là đúng về mặt hành chính, bởi đây những quy định hiện hành là một hàng rào kỹ thuật không hiệu quả.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Thực tế, các quy định này không ngăn được người dân đến cư trú tại các TP lớn, trong đó có Hà Nội, những người không có thường trú nhưng vẫn cư trú tại Hà Nội rất bình thường, việc bỏ quy định các điều kiện riêng khi đăng ký thường trú nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân.
Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, cần phân tích rõ hơn tác động tiêu cực về mặt xã hội của giải pháp đề ra khi làm tăng dân số cơ học tại các TP lớn. Bởi trước thực tế hiện nay, nếu bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú, quả là một thách thức quá lớn làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế, các dịch vụ công khác… Như số liệu thống kê về dân số của Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội có 1,2 triệu người tạm trú. Nếu xóa điều kiện riêng thì số tạm trú này sẽ trở thành thường trú. Cùng với đó, hiện Hà Nội đang có hơn 8 triệu dân. K
hi không còn điều kiện riêng về đăng thường trú tại Thủ đô như Dự Luật đề xuất, số dân sẽ còn tăng hơn nữa.

Đúng như Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã phát biểu tại phiên thảo luận tổ, như tại quận Hoàng Mai, có 550.000 dân, nhiều hơn dân số tỉnh Bắc Kạn, thì số vãng lai là 150.000 người. Với tốc độ tăng dân số cơ học như vậy mà xóa điều kiện riêng thì dân số sẽ lên rất nhanh, trong khi các quận nội thành hầu như đã bế tắc trong việc giải quyết vấn đề gia tăng dân số cơ học. Việc bỏ điều kiện riêng có thể triển khai nếu có giải pháp nào đó để điều tiết di dân tự do bằng giải pháp kinh tế mà không đơn thuần là biện pháp hành chính.
Đây cũng là quan điểm nhận được nhiều sự đồng tình. Bởi bất cứ một quy định nào cũng cần cân nhắc nhiều yếu tố, lưu ý đến việc bảo đảm hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân với khả năng đáp ứng các dịch vụ thiết yếu về bảo đảm an sinh xã hội cũng như an ninh, trật tự tại các đô thị lớn, tránh gây quá tải.
Về lý thuyết, bỏ điều kiện riêng có vẻ là đúng, nhưng kèm với đó, phải có giải pháp để điều tiết di cư tự do, phát triển cơ sở hạ tầng... đáp ứng kịp với sự gia tăng dân số. Bởi các TP lớn đang thu hút số dân nhập cư rất nhiều, nên khi bỏ điều kiện này phải đánh giá kỹ hơn tác động, nhằm tạo sự đồng thuận của chính quyền địa phương và tránh tình trạng dân số tăng trước, cơ sở hạ tầng "chạy theo sau".