Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân số Việt Nam đạt ngưỡng 90 triệu người

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/11, Việt Nam sẽ đón công dân thứ 90 triệu ra đời. Với quy mô dân số này, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới, đứng thứ 3 về quy mô dân số ở các nước Đông Nam Á.

Đây là sự kiện có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với công tác DS-KHHGĐ; đánh một dấu mốc vô cùng quan trọng và nhiều ý nghĩa trong lịch sử phát triển nhân khẩu học cũng như trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.

 
Dân số Việt Nam đạt ngưỡng 90 triệu người. Ảnh minh họa.
Dân số Việt Nam đạt ngưỡng 90 triệu người. Ảnh minh họa.
Dấu ấn sự kiện này cũng kêu gọi nối vòng tay lớn, biểu thị tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của người Việt Nam ở trong nước cũng như kiều bào ở xa Tổ quốc. Đồng thời cũng mang tới cho các tầng lớp nhân dân những nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác DS–KHHGĐ đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Với việc đạt 90 triệu người vào tháng 11/2013, dân số trung bình của năm 2015 sẽ vào khoảng dưới 91,5 triệu người. Với số dân 90 triệu người, dân số thành thị chiếm 32,3% và dân số nam chiếm 49,5% tổng dân số. Vùng có quy mô dân số lớn nhất là Đồng bằng sông Hồng, chiếm 22,8%  tổng số dân, trong khi diện tích đất chỉ có 6,9%.

Để đánh dấu thời khắc đặc biệt quan trọng này, theo kế hoạch dự kiến, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế sẽ long trọng tổ chức hai chương trình lớn “90 triệu bước chân con cháu Lạc Hồng” và “90 triệu trái tim yêu Việt Nam”, nhằm kết nối toàn thể người dân cùng hành động vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước.

Khi đạt ngưỡng 90 triệu người, đồng nghĩa Việt Nam đối diện với nạn già hóa dân số. Dự báo, số người cao tuổi sẽ tăng nhanh trong giai đoạn tới. Nếu năm 2010, cứ 11 người dân có 1 người cao tuổi thì ước tính năm 2029 cứ 6 người dân thì có 1 người cao tuổi và năm 2049 sẽ là 4 người dân có 1 người cao tuổi.