Dù kết quả bầu cử cho thấy người dân Nga không còn “mặn mà” với các chính sách của UR như trước nữa, song không thể phủ nhận vị thế cũng như vai trò của UR trong công cuộc chấn hưng đất nước. Và chắc chắn UR sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới trên chặng đường phía trước. Trong suốt gần một thập kỷ qua, UR cùng với bộ đôi quyền lực "Putin-Medvedev" đã lập được nhiều kỳ tích trong việc vực dậy nước Nga, vốn bị suy yếu nghiêm trọng trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Với tư cách là đảng cầm quyền, UR đã có những đóng góp tích cực đưa nền kinh tế Nga, từng có lúc chao đảo do những biến động trên thế giới, trở lại đúng quỹ đạo phát triển. Tuy nhiên, những khó khăn về kinh tế, sự chênh lệch giàu nghèo lớn và tệ quan liêu hiện đang là những nhân tố làm giảm đáng kể uy tín của UR. Kết quả cuộc bầu cử quốc hội vừa qua đã cho thấy phần nào sự bất mãn của người dân đối với đảng UR của Thủ tướng Vladimir Putin cũng như hệ thống chính trị ở Nga. Cả Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin đều thừa nhận rằng kết quả bỏ phiếu phản ánh đúng tâm trạng của cử tri và thực trạng của đất nước. Theo các nhà phân tích, “sự thất thế” so với cuộc bầu cử cách đây 4 năm đã buộc UR phải nhìn nhận lại mình một cách trung thực. Chiến thắng “không ngọt ngào” đòi hỏi UR cần một cấu trúc phức hợp hơn trong Quốc hội mà cụ thể là liên minh với các đảng khác. Tuy nhiên, với gần 50% số phiếu ủng hộ, chiếm đa số tại Duma, UR gần như vẫn nắm giữ trong tay điều kiện để tiếp tục thực hiện đường lối của mình. Riêng với Thủ tướng Putin, kết quả cuộc bầu cử cũng giúp ông tiên liệu phần nào mức độ ủng hộ của công chúng đối với sự trở lại của ông trong vai trò tổng thống vào tháng 3 năm tới. Trong bối cảnh nước Nga đang chịu tác động từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, cục diện chính trị thế giới có nhiều biến động, quan hệ Nga-Mỹ chưa có dấu hiệu ấm lên, đặc biệt cử tri Nga đang dao động trước những quyết sách của chính phủ trong những vấn đề liên quan tới vận mệnh đất nước,... việc UR để mất phiếu vào tay các đảng khác trong một cuộc “trắc nghiệm lòng dân” là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn lạc quan cho rằng việc UR vẫn giữ đa số ghế tại Hạ viện không chỉ là thắng lợi của UR, mà của cả nền dân chủ Nga nếu đặt trong bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay. Cuộc bầu cử quốc hội vừa qua được xem là khúc dạo đầu của quá trình chuyển giao quyền lực tại xứ sở Bạch Dương. Mặc dù đã có một số nhân vật tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào tháng 3/2012, như tỷ phú Mikhail Prokhonov, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) Gennady Zyuganov và thủ lĩnh đảng Yabloko - ông Grigory Yavlinsky, song giới phân tích nhận định rằng ở thời điểm hiện nay, trên chính trường Nga vẫn chưa có nhân vật nào được coi là đối thủ đủ tầm thách thức ông Putin. Các khuôn mặt mới, nhiều người thuộc thế hệ trẻ hơn, đang dần nổi lên, song chưa ai chứng tỏ đủ phẩm chất và sức mạnh cũng như sức hút của mình để tập hợp được đông đảo người ủng hộ và dẫn dắt họ vào một phong trào đi tới chiến thắng. Sự hoán đổi quyền lực Putin-Medvedev trên thực tế sẽ không làm thay đổi hoàn toàn nước Nga, vì từ lâu những vấn đề chiến lược, phát triển đất nước ở tầm vĩ mô đều được “cặp bài trùng” này thảo luận và đưa ra lập trường thống nhất. Theo Đại sứ Nga tại NATO Dmitry Rogozin, UR sẽ có những gương mặt mới khi Putin trở lại làm tổng thống và nhà lãnh đạo này sẽ thổi vào đảng cầm quyền bầu nhiệt huyết mới. Một nước Nga đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số người thất nghiệp thậm chí còn thấp hơn thời kỳ trước khủng hoảng, các số liệu tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức khá cao so với các nước trong khu vực... là bằng chứng rõ nhất chứng tỏ đường hướng phát triển của UR cũng như cặp đôi quyền lực Putin-Medvedev trong những năm qua. Tỷ lệ ủng hộ “cặp bài trùng” này trong các cuộc thăm dò mới đây nhất vẫn ở mức 61% càng cho thấy người dân tiếp tục hy vọng dưới sự dẫn dắt của UR và “bộ đôi quyền lực” Putin-Medvedev, nước Nga sẽ phát triển thịnh vượng, lấy lại vị thế siêu cường trong một thế giới vốn nhiều biến động kể từ khi Liên Xô tan rã./.