Ở cái tuổi 16, nom Trần Văn Thuận, SN 1996, quê Ninh Bình, già dặn. Thuận nói, học chưa hết cấp 2 đã phải nghỉ học, phụ giúp mẹ chạy chợ. Chán cảnh trai tráng ru rú ở nhà, cách đây 3 năm, Thuận lên Hà Nội tìm việc. Nhưng cuộc sống không dễ dàng như Thuận tưởng. Chẳng kiếm nổi một công việc tươm tất, Thuận “dặt dẹo” ở công viên, vườn hoa. Tình cờ quen một người tự xưng “dì Lân” và được cho “cái cần câu cơm”, Thuận rủng rỉnh tiền. “Dì Lân” dẫn mối cho Thuận “bán thân”. “Đi khách” lần đầu, Thuận thấy sợ nhưng cậu bé 15 tuổi nhanh chóng quên đi sự sợ hãi khi được trả công hậu hĩnh. 500 nghìn đồng/lần “đi khách” là cái giá mà Thuận không tưởng tượng nổi. Thuận đều đặn “bán thân” mỗi ngày và không ít lần hái được bạc triệu nếu gặp khách rộng rãi. Có tiền, Thuận sống “sang” hơn, tá túc ở các nhà nghỉ rồi “lướt nét”. Thuận “chát” để kiếm khách và đó cũng là cơ duyên cậu biết cô gái Nguyễn Thị T, SN 1994, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Thắng trong lúc chờ tòa nghỉ nghị án.
Một lần “kẹt nét”, Thuận đã giải cứu và T rất cảm tình với chàng trai ga lăng này. Thuận kể, đời mình lắm sóng gió khi cuộc tình với cô bạn gái mới bắt đầu đã tắt lịm. Tỏ tình với T được hơn 1 tháng thì người yêu Thuận bị lừa bán vào ổ “nhền nhện”. Hay tin, Thuận đã lấy hết số tiền tích cóp được từ những lần “đi khách” chuộc bạn gái. Khi biết Thuận có mối quan tâm riêng, “dì Lân” cắt “viện trợ”, cắt luôn cả mối khách. Từ đó, Thuận lại lang bạt rồi quen Lưu Mạnh Thắng, SN 1985, trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Khi Thắng rủ đi “ăn bay”, Thuận chẳng chút nghĩ ngợi, nhận lời ngay. Ai dè, ngay phi vụ đầu, Thuận đã bị tóm.
Khác với Thuận, Thắng “sở hữu” tới 3 tiền sự, 2 tiền án. Khi bị dính vào vụ án này, gia đình bị cáo nói rằng, Thắng có tiền sử bệnh tâm thần. Đó là lý do, CQCA đã cho gã đi giám định tâm thần. Nhưng Trung tâm giám định pháp y tâm thần Hà Nội kết luận, Thắng bị rối loạn tâm thần phân liệt cảm xúc, tuy nhiên, thời điểm phạm tội thì bệnh tình của Thắng ở giai đoạn ổn định. Thắng nhận thức và điều khiển hành vi bình thường, nên phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về phi vụ “hợp tác” giữa Thuận, Thắng, VKSND huyện Sóc Sơn làm rõ, chiều 17-7-2012, Thắng phóng xe máy chở Thuận đi hướng Thái Nguyên – Hà Nội, săn mồi. Đến địa phận xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, thấy chị Nguyễn Thị T, SN 1977, trú tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đi xe máy ngược chiều, có để 1 túi xách ở giá để hàng (bên trong có 1 cọc tiền 50 triệu đồng, 1 ví da có 1,1 triệu đồng và một số giấy tờ khác), Thắng cho xe vòng lại. Áp sát “con mồi” khoảng 200m, Thắng tăng ga, bám theo. Chỉ chờ có vậy, Thuận ngồi phía sau tranh thủ giật túi xách. Cướp được đồ, cả hai bỏ chạy đến cổng làng thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Thuận mở chiến lợi phẩm kiểm tra và lén rút 10 triệu đồng ở cọc tiền và 100 nghìn đồng trong ví rồi vứt chiếc ví. Thắng đi đến thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thì dừng xe và cùng Thuận đếm tiền.
“Gặt” được 40 triệu đồng, Thắng chia cho Thuận 16 triệu đồng, còn lại đút túi. Gây ra vụ cướp này, trước đó, Thắng còn “ăn bay” của một khách đi đường khác và ngày 20-7-2012, gã bị bắt theo lệnh truy nã. Sau đó, TAND huyện Đông Anh xử phạt Thắng 54 tháng tù về tội “Cướp giật tài sản” ở vụ cướp đó.
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Sóc Sơn xét xử Thắng, Thuận về hành vi cướp giật tài sản của chị T, bà Trần Thị H, mẹ của Thuận, đã bào chữa và là người giám hộ cho con. Tội của Thuận đã rõ, bà mẹ này không bàn gì về tội danh, chỉ mong tòa “giơ cao đánh khẽ” với Thuận vì bị cáo tuổi vị thành niên. Thừa nhận đã thiếu quan tâm, răn dạy “quý tử”, bà H chấp nhận bồi thường cho chị T.
Chị T chỉ yêu cầu các bị cáo bồi thường 50 triệu đồng và HĐXX của TAND huyện Sóc Sơn tuyên Thắng 5 năm tù, Thuận 3 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”; phải bồi thường 50 triệu đồng cho bị hại. Tòa cấp sơ thẩm nhận định, Thắng có nhân thân xấu nhưng bố bị cáo lại là người có công với cách mạng. Lẽ ra, cần áp dụng tình tiết tăng nặng đối với Thắng vì là người xúi giục nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được, Thắng biết Thuận là vị thành niên.
Cho rằng mức án tòa cấp sơ thẩm đã tuyên với con mình là quá nặng, bố Thắng (được tòa chấp thuận cho làm người đại diện vì đôi khi Thắng vẫn có biểu hiện của người bị tâm thần) thay con kháng cáo, xin tòa cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt. Trước HĐXX ngày 18-6-2013 của TAND TP Hà Nội, Thắng không “hé miệng” nửa lời. Như để tòa thấy mình không bình thường, Thắng chẳng nói chẳng rằng; thậm chí lúc tòa chưa làm việc, Thắng còn “giở trò” khiến lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp khá vất vả. Kháng cáo mà gia đình Thắng không đưa ra được những tình tiết mới, TAND TP Hà Nội tuyên giữ nguyên án sơ thẩm đối với Thắng.
Thuận thì tỏ ra tâm phục với bản án mà TAND huyện Sóc Sơn tuyên nên không kháng cáo.