Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau những con số là nỗi đau

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù số vụ TNGT dịp Tết năm nay được nhận định là giảm so với năm ngoái, thế nhưng với gần 200 người mãi mãi không trở về với gia đình và số vụ bị thương cũng tương đương như vậy...thực sự là con số không hề nhỏ.

Trong 7 ngày nghỉ Tết toàn quốc đã xảy ra 218 vụ TNGT, làm chết 195 người và bị thương 199 người. Nếu đem so sánh với các chỉ số cùng kỳ năm trước để thấy rằng, tình hình TNGT đã giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), chúng ta có lý do để vui mừng vì công tác kiềm chế TNGT mà cả xã hội đang chung tay thực hiện, vẫn đang đi đúng hướng với những con số khả quan từng ngày.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Nhưng, nếu nhìn vào con số người tử vong và bị thương vì TNGT chỉ trong 7 ngày nghỉ lễ đó, không ai không khỏi đau lòng và lo lắng. Đằng sau gần 200 người tử vong đó, là hàng trăm con người khác cả đời sẽ phải sống trong nỗi đau, mất mát, thiệt thòi vì mất người thân. Và, cũng gần 200 người mang thương tật suốt đời vì TNGT đó, cũng sẽ trở thành gánh nặng cho bao gia đình, cho toàn xã hội. Đó thật sự là những hậu quả nặng nề nhất mà TNGT gây ra, chứ không chỉ đơn giản là những con số thống kê trên giấy trắng.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, dù tình hình trật tự, ATGT trong những ngày nghỉ Tết vừa qua được đảm bảo duy trì ổn định, ùn tắc ít xảy ra nhưng hình TNGT còn diễn biễn phức tạp, tăng cao trong các ngày 30, 1, 2 Tết. Nguyên nhân của các vụ TNGT, ông Thái cho biết, chủ yếu vẫn là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông. Trong đó, các lỗi phổ biến nhất vẫn là nhóm lỗi thuộc về ý thức người tham gia giao thông như: Lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn, sai phần đường, làn đường, quá tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu, người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường.

Vấn đề "ý thức giao thông", "văn hóa giao thông" thực ra không phải là mới, nó là việc "Biết rồi, khổ lắm nói mãi". Ấy thế mà, năm nào cũng như năm nào, cứ mỗi kỳ nghỉ lễ trôi qua, một danh sách dài những vụ TNGT, những người tử nạn hoặc mang thương tật suốt đời bởi TNGT lại được nhắc đến một cách đau đớn, xót xa. Thời gian qua, với những cố gắng của tất cả các cấp chính quyền, các bộ, ngành, tình hình TNGT đã và đang giảm dần theo từng năm. Thế nhưng, đó mới chỉ là những thành quả ban đầu và những đau thương do TNGT chỉ vơi đi, khi mà mỗi người dân tham gia giao thông, tự nhận thấy trách nhiệm, bổn phận, quyền lợi của bản thân và những người thân yêu mình, để tự nâng cao được ý thức tự bảo vệ mình mỗi khi ra đường. Đầu Xuân năm mới, mong sao sẽ không còn phải đau thương bởi do "thiếu ý thức" khi tham gia giao thông.