Kinhtedothi - Đảng ta - hai tiếng thiêng liêng, thân thương, là phần thưởng không gì sánh bằng mà nhân dân dành cho Đảng khi họ có niềm tin sắt son đối với tổ chức chính trị duy nhất chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua bao sóng to gió cả trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước suốt 85 năm qua.
Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam xúc động khi mở đầu cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lúc sinh thời, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta, người có công sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất nhiều lần dùng tới hai tiếng “Đảng ta”. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay. Trách nhiệm và vinh dự đó của Đảng suốt 85 năm qua không phải ý muốn chủ quan của một ai, cũng không phải là sự sắp xếp của giai cấp hay lực lượng nào. Trong suốt 85 năm, Đảng đã đáp ứng được yêu cầu khách quan trong sự phát triển cách mạng của đất nước và được nhân dân công nhận.
Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
|
Và cũng chính từ điều đó, để đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, nâng cao mình lên xứng tầm với nhiệm vụ, Đảng phải thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trung tướng Phạm Hồng Cư nhấn mạnh.
Trong các biện pháp xây dựng Đảng, phê bình và tự phê bình là "liều thuốc” khá hữu hiệu đối với căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, bè cánh, chia rẽ nội bộ... Từ trước đến nay, việc phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục một cách có chất lượng và đạt hiệu quả. Tuy vậy cũng không thể tránh khỏi có nơi, có lúc, một bộ phận cán bộ đảng viên chưa thực sự coi trọng, chưa thực sự nghiêm túc trong việc phê bình và tự phê bình đối với những khuyết điểm của cá nhân và những người xung quanh. Họ nể nang, né tránh, thậm chí đôi lúc ở một vài nơi còn ve vuốt, dung dưỡng cho những thói hư tật xấu. Đó chính là cơ hội tốt cho những con virus của các căn bệnh: Bè phái, tranh giành quyền lực, trù dập, tham ô, lãng phí... lây lan và phát triển nhanh chóng.
Nghị quyết Trung ương 4 Khóa 11 về xây dựng Đảng là một sự đánh giá dũng cảm, đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh: "Một Đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Nghị quyết Trung ương 4 đã không che giấu khuyết điểm, dám nhìn thẳng vào sự thật và kiên quyết sửa sai. Do vậy, Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận được sự đồng tình nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân.
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng qua các nhiệm kỳ đều đề cập nội dung chỉnh đốn Đảng nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Song Nghị quyết Trung ương 4 có những nội dung tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, nhất là những giải pháp cụ thể và quyết liệt. Nghị quyết lần này được tiến hành kiểm điểm từ trên xuống dưới, từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng rồi mới đến cấp tỉnh, huyện, xã. Lãnh đạo Đảng làm trước sau đó mới đến từng đảng viên.
Người đảng viên, người cấp dưới trở nên tốt hay xấu đều phụ thuộc rất lớn vào sự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu trong cơ quan, đơn vị, các tổ chức Đảng, và nhất là tấm gương của người lãnh đạo. Nếu người đứng đầu cơ quan là tấm gương sáng thì sẽ tạo hiệu ứng cao và sức cộng hưởng tốt, động viên cấp dưới học tập và làm theo tấm gương của thủ trưởng. Ngược lại, nếu người đứng đầu thích được tâng bốc, trù dập những người dám nói thật, nói thẳng, đối xử thiếu công bằng, có tư tưởng độc đoán, vụ lợi... thì cơ quan đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cơ hội phát triển.
Do vậy, theo Trung tướng Hồng Cư, các tổ chức Đảng cần quán triệt và học tập lại một số tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như "Sửa đổi lối làm việc”, "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Để Nghị quyết Trung ương 4 thực sự đi vào cuộc sống, Trung tướng Hồng Cư cho rằng, các cấp uỷ Đảng không được buông lỏng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong tổ chức Đảng. Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm.
Mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi đảng viên phải kiên trì, không thể nôn nóng và không cầu toàn. Ở đâu và bao giờ, việc đấu tranh với chính mình cũng là một việc làm hết sức khó khăn. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết nhất trí để vừa giáo dục, vừa xử lý nghiêm, cương quyết loại bỏ bằng được "một bộ phận không nhỏ” những đảng viên có những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Đối với quân đội, Trung tướng Hồng Cư cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người dạy và truyền bá quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin về quân đội, nguyên tắc tổ chức quân đội theo kiểu Hồng quân Liên Xô và kinh nghiệm tác chiến phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Người đã chỉ ra những nguyên tắc riêng trong việc tổ chức quân đội nhân dân của Việt Nam. Những cuốn sách tài liệu của Người viết có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay từ rất sớm, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của yếu tố chính trị, tinh thần trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1944, trong Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của yếu tố chính trị: Chính trị trọng hơn quân sự. Tiếp đó, Người khẳng định: “Nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị. Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.
Nhờ làm tốt nhiệm vụ chính trị, nên từ khi ra đời, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là đội quân trung với Đảng, hiếu với dân như Bác Hồ dạy, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.