Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải:

Đánh giá kỹ sự cần thiết Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Đã tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật

Tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/3, phát biểu kết luận nội dung thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Giá (sửa đổi), thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Cùng với đó, đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân trách phối hợp với cơ quan liên quan rà soát tiếp thu hoặc giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp. Đặc biệt lưu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và tại Thông báo Kết luận số 1479 ngày 26/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Giá (sửa đổi), hoàn thiện hồ sơ dự án luật, xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (dự kiến tháng 4/2023), lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội vào một số cơ quan hữu quan; đồng thời chủ trì cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến tham gia để đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội.

Liên quan một số vấn đề cụ thể, đối với hai nội dung còn có ý kiến khác nhau cần đánh giá kỹ, có thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa, bình ổn giá so với luật hiện hành hay không? Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như dự thảo, Quốc hội có thể giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục trên cơ sở trình của Chính phủ.

Đối với Quỹ bình ổn giá có thể giao cho Chính phủ quyết định thành lập vì đây là giải pháp để bình ổn giá. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung đã rõ, đánh giá kỹ tác động và cần quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập quỹ, quản lý quỹ, nguồn hình thành quỹ, quy định rõ thành lập quỹ phải có thời hạn. Trường hợp không làm rõ các nội dung này thì không quy định trong luật về việc thành lập quỹ.

Đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vì đây là một loại quỹ bình ổn giá nên phải tuân thủ nguyên tắc của Quỹ bình ổn giá, điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả thực sự có tác dụng trong mình ổn giá xăng dầu. Trường hợp không thuyết minh thuyết phục, cần phải xem xét phương án không duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu điểm, nhược điểm, tính phù hợp, đặc thù của Việt Nam đối với từng loại ý kiến góp ý về nội dung này. Tiếp tục rà soát để tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định về áp dụng luật tại Điều 3, rà soát thống nhất với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Lưu ý thống nhất với các quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Luật Khám, chữa bệnh mới được Quốc hội thông qua; quy định về giá đất, tài chính, đất đai trong dự thảo Luật Đất đai đang sửa đổi; quy định về thẩm định giá trong Luật Quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và các luật có quy định về thẩm định giá; rà soát kỹ các điều kiện chuyển tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì tiếp tục hoàn thiện quy định về nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương đảm bảo khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị tương thích với phạm vi điều chỉnh của luật, đảm bảo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.

Tiếp tục rà soát các trường hợp và biện pháp bình ổn giá, tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền quyết định giá, danh mục các trường hợp hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, cơ sở căn cứ để hiệp thương giá, vai trò của Nhà nước, trách nhiệm và vai trò của các tổ chức, cá nhân trong hiệp thương giá, công bố giá, tính cụ thể, khả thi, công khai, minh bạch trong kê khai giá, niêm yết giá... để đảm bảo tính khả thi.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý tiếp tục hoàn thiện các nguyên tắc, tiêu chuẩn thẩm định giá, quyền hạn, trách nhiệm của thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, Hội đồng thẩm định giá của Nhà nước, số lượng, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng đảm bảo chặt chẽ, khả thi, gắn trách nhiệm với quyền hạn. Ngoài các nội dung trên, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tham gia nhiều ý kiến vào các điều, khoản trong dự thảo luật, đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tại phiên họp…