Đó là những mong muốn rất thực tế của DN được đưa ra tại hội nghị “DN dân doanh - Động lực phát triển kinh tế Thủ đô” tổ chức mới đây. Những kiến nghị từ thực tế Ông Nguyễn Đức Khải - Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Dây cáp điện Ngọc Khánh) chia sẻ, DN tư nhân hiện đang gặp khó khăn về mặt bằng, bản thân Công ty phải chuyển nhà máy về khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên). Do đó, DN rất mong được tạo điều kiện về thủ tục hành chính, thuế, đất đai. “DN Nhà nước được ưu đãi chính sách, thuế, trong khi DN tư nhân tự thân vận động, ít được hỗ trợ, tự khai thác nguồn lực khác để vươn lên. Chờ chủ trương chính sách của Nhà nước đi vào thực tế là khoảng cách còn lớn” – ông Khải cho biết.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Hùng Thành Bùi Ngọc Tường lại đi thẳng vào vấn đề của DN mình là Tập đoàn đang kinh doanh nước sạch, rất mong được tạo điều kiện thuận lợi để có thể đầu tư vào lĩnh vực này. DN đang có ý tưởng liên doanh với nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch 100.000m3 cho Hà Nội. Ông Tường hy vọng có thủ tục thông thoáng để Tập đoàn thực hiện dự án này, nhất là cung cấp nước sạch cho khu công nghiệp, các huyện ngoại thành đang có khó khăn về nước sạch. Cũng tại hội nghị, đại diện Công ty Sản xuất nồi hơi kiến nghị Nhà nước có chính sách hạn chế nhập khẩu nồi hơi nước ngoài. Trong khi đó, Công ty Cơ khí Đông Anh mong muốn hỗ trợ tổ chức hội chợ triển lãm, hỗ trợ vay vốn, lãi suất để phát triển sản xuất, kinh doanh. Công ty Khóa Việt Tiệp kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả, hỗ trợ DN phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Công ty Phân lân Văn Điển thì mong muốn giao lưu giữa các DN để tạo dựng hình ảnh, tìm hiểu các chính sách hỗ trợ DN về phát triển khoa học công nghệ, vốn, thuế. Công ty Cao su Hà Nội mong tiếp cận công nghệ mới, thiết bị mới trong sản xuất, nhất là về tự động hóa, liên kết DN trong và ngoài ngành. Một số DN khác mong muốn tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, có phương án cấp điện ổn định để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất của DN, bảo vệ môi trường… Chia sẻ và đồng hành Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho rằng, tất cả các ý kiến của DN đều có chung mong muốn cơ quan Nhà nước và DN làm sao kết hợp với nhau, lắng nghe và đồng hành, tạo điều kiện để DN phát triển bền vững. Với chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương, ông Thắng thông tin, chính sách của TP trong thời gian tới là hình thành hệ thống các khu, cụm, điểm công nghiệp. Dự kiến từ nay đến tháng 8, Sở sẽ hoàn chỉnh những quy hoạch này, trình UBND TP. TP cũng giao cho Sở Công Thương tìm hiểu, học hỏi mô hình các nước trong xây dựng khu, cụm công nghiệp, kinh nghiệm phát triển các chuỗi sản phẩm công nghiệp… Những điều đó cho thấy, Hà Nội mong muốn tạo điều kiện hạ tầng tốt nhất để DN phát triển. TP hiện có rất nhiều chương trình liên quan đến sản phẩm hàng hóa, thương hiệu, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư…, các DN có thể chủ động nắm bắt thông tin để cùng phối hợp, tham gia. Có thể nhiều người cho rằng các DN Nhà nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được hưởng nhiều ưu đãi nhưng Hà Nội xác định, với tư cách là một bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô, DN dân doanh cũng cần được hưởng các ưu đãi này. Chính vì thế, thời gian qua, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực với 53 DN, 60 sản phẩm và các DN này được hỗ trợ về lãi suất, chi phí tham gia hội chợ... “Tuy nhiên, DN cần không chỉ là hỗ trợ này, mà về lâu dài đó là sự bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế, chính sách phát triển phải ổn định. DN dân doanh rất năng động trong hội nhập kinh tế, có thể đến được từng ngóc ngách của thị trường và sẽ thành công” - ông Thắng khẳng định.
Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Sunhouse tại KCN Ngọc Liệp, Quốc Oai. Ảnh: Khắc Kiên |