Sông Hồng có tổng chiều dài 556 km, trong đó đoạn chảy qua Hà Nội dài khoảng 160km, đi qua địa bàn 15 quận, huyện, với gần 30 di tích lịch sử, văn hóa như di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì); đền Hát Môn (Phúc Thọ); đền Dầm, đền Đại Lộ (Thường Tín); đình Chèm (Bắc Từ Liêm)…
Mặc dù có nhiều tiềm năng khai thác du lịch đường sông, thế nhưng đến nay phát triển tuyến du lịch sông Hồng còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng và tiềm năng sẵn có. Hiện nay chỉ có Công ty CP Thăng Long – GTC được phép vận hành khai thác tuyến du lịch sông Hồng từ Hà Nội – Hưng Yên. Đây là một trong những lý do khiến tiềm năng du lịch của du lịch sông Hồng chưa được khai khai hết.
Phân tích nguyên nhân khiến du lịch sông Hồng vẫn còn “ngủ đông”, tại Hội nghị “Kết nối điểm đến du lịch trên dọc tuyến sông Hồng với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội”, Trưởng khoa du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) PGS, TS Phạm Hồng Long và các đại biểu có chung phân tích, mặc dù du thuyền tour sông Hồng đi vào hoạt động từ năm 2004 nhưng không thu hút được lượng du khách như mong muốn. Nguyên nhân là bởi hệ thống giao thông kết nối; hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ du lịch đường sông còn chưa được đầu tư đáp ứng được yêu cầu đón du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
“Sự chồng chéo trong các chính sách, quy định về cấp phép, quản lý bến tàu thủy nội địa và phương tiện đường thủy khiến nhiều nhà đầu tư không dám vận hành, khai thác sản phẩm du lịch đường sông tại Hà Nội”-ông Long nhấn mạnh.
Để khắc phục những khó khăn này dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Lữ hành Travelogy Vũ Văn Tuyên “hiến kế” doanh nghiệp khai thác du lịch sông Hồng cần đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp du lịch trong hoạt động quảng bá, thu hút khách. Đặc biệt cần đa dạng tour theo nhiều cách thức khác nhau như tour tham quan làng nghề, tour du lịch văn hóa tâm linh…
“Để làm được điều này đòi hỏi TP Hà Nội đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển nhiều điểm đón khách du lịch tại các địa phương dọc theo sông theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, không nên quá phụ thuộc vào một điểm cố định”-ông Tuyên kiến nghị.
Trước những ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia để xây dựng kế hoạch cụ thể. Hiện Sở Du lịch đã tham mưu UBND TP Hà Nội “hoàn thiện và mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông”.
Cụ thể định hướng phát triển một số sản phẩm du lịch trọng tâm như nâng cấp phát triển tuyến du lịch đường sông, phát triển các hoạt động du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí ven sông… qua đó thu hút các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng, dịch vụ cho loại hình du lịch này.
Tuy nhiên để phát triển du lịch song Hồng bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý còn đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách. Nâng cấp chất lượng dịch vụ và đội ngũ phục vụ tàu, hướng dẫn viên, tăng cường thông tin về các điểm đến cho du khách.