Câu hỏi đặt ra là sau nhiều năm thực hiện, chương trình quốc gia này có thực sự đạt hiệu quả như mong muốn? Không thể phủ nhận, Chương trình quốc gia về ATVSLĐ triển khai trên phạm cả nước đã góp phần ngăn chặn và giảm tần suất TNLĐ chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao. Số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ) và số NLĐ được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng. Đồng thời, có thêm 2.000 DN nhỏ và vừa áp dụng hiệu quả các mô hình quản lý công tác ATVSLĐ. Trên 20.000 người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và 20.000 cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại DN được hỗ trợ huấn luyện về ATVSLĐ...
Tuy nhiên, con số 6.709 vụ TNLĐ làm 6.941 người bị nạn, trong đó có 592 vụ làm chết 630 người, bị thương nặng 1.544 người xảy ra trong năm 2014 vẫn khiến nhiều người cảm thấy bàng hoàng. Đáng buồn hơn, năm 2014, nhiều con số tăng cao hơn so với năm 2013. Trong đó, số vụ TNLĐ tăng 14 vụ (0,2%), tổng số nạn nhân tăng 56 người (0,8%), số người chết tăng 3 người (0,47%), số vụ có người chết tăng 30 vụ (5,3%). Đặc biệt, số người bị thương nặng và số vụ có từ 2 nạn nhân trở lên tăng lần lượt là 2% và 46%. TP Hồ Chí Minh có số vụ TNLĐ tăng 42%. Thiệt hại về vật chất và tài sản lần lượt là 90,78 tỷ đồng và 7,76 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ lên tới 80.944 ngày. Những con số trên khiến báo giới không khỏi nghi ngờ Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN được tổ chức thường niên có phải đã đi vào lối mòn? Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, những con số tăng lên tính theo tỷ lệ là rất thấp, điều này không thể đánh giá hiệu quả của Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN. Bởi lẽ, nguyên nhân khiến số vụ, số người chết là do nhiều yếu tố cấu thành. Trong đó, căn nguyên để xảy ra TNLĐ chết người chủ yếu vẫn là sự hạn chế, yếu kém trong nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động (chiếm 72,7%) và chính NLĐ (chiếm 13,4%). Các lĩnh vực, nghề xảy ra nhiều TNLĐ chết người gồm khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh điện, cơ khí và chế tạo. Trong đó, yếu tố ngã từ trên cao vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao nhất với 30,7% tổng số vụ và 30,8% tổng số người chết. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN sẽ liên tục đổi mới về nội dung, hình thức, địa phương đăng cai để đánh thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức hiệp hội, DN và NLĐ đối với công tác ATVSLĐ – PCCN.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương trọng điểm được chọn để tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN lần thứ 17 năm 2015, diễn ra từ 15 - 21/3 với chủ đề “Mỗi DN, NLĐ chủ động các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, DN và xã hội”. |