Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thức văn hóa đọc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù chỉ diễn ra trong 4 ngày (17 - 21/9), nhưng Triển lãm hội chợ sách quốc tế lần thứ 4 tại Hà Nội đã cho người ta thấy sự "thức dậy" của văn hóa đọc trong đời sống người Việt.

Đông đến ngày cuối cùng
 
Triển lãm hội chợ sách quốc tế lần thứ 4 mở ra với đủ các hoạt động trưng bày sách; trao đổi kinh nghiệm xuất bản, in ấn; giao lưu với các đối tác nước ngoài, các công ty phát hành sách…
 
Mục đích là thúc đẩy ngành xuất bản - in - phát hành sách trong nước phát triển, dần tiếp cận với khu vực và thế giới, song chính từ đây, các nhà làm văn hóa muốn khơi dậy cái thú ham đọc sách vốn có của người Việt.
 
Chính Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cũng nói: "Triển lãm hội chợ sách quốc tế là hoạt động ý nghĩa nhằm phát triển văn hóa đọc, góp phần hình thành và xây dựng một xã hội học tập và phát triển".
 
Đánh thức văn hóa đọc - Ảnh 1
 
Rất nhiều bạn trẻ đến xem và mua sách tại Hội chợ.
 
Mặc dù có những khó khăn do suy thoái kinh tế, nhưng hội chợ sách năm nay có những đổi mới hơn về quy mô, hình thức tổ chức, độc đáo về nội dung để thu hút bạn đọc. 160 gian hàng của các đơn vị, nhà xuất bản trong và ngoài nước giới thiệu tới công chúng hàng trăm ngàn xuất bản phẩm và văn hóa phẩm.
 
Trong số đó có khoảng hơn 30 triệu bản sách thuộc nhiều lĩnh vực, chưa kể các sản phẩm về công nghệ thông tin, thiết bị giáo dục... Người làm hội chợ còn trưng bày những kỷ vật của lịch sử như những pho sách cổ, máy đánh chữ, máy in thời kì cả nước còn làm cách mạng... 
 
Đáng chú ý nhất là tập sách thơ đã được kỷ lục Guinness Việt Nam ghi nhận với 120 trang, khổ 50 x 65cm, trọng lượng 220kg do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện.
 
Từ ngày khai mạc đến chiều 21/9, các gian hàng vẫn đông nghịt người xem và mua sách. Điều này cho thấy, hội chợ đã có sức hút mạnh mẽ với công chúng, không uổng công sức mà người tổ chức đã kỳ công thực hiện. Bà Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty sách Phương Đông cho biết: "So với những lần triển lãm hội trợ sách trước đây, số lượng người tham gia lần này đông hơn hẳn.
 
Ngay cả hôm nay là ngày cuối cùng (21/9), nhưng vẫn rất nhiều người tới. Đây là tín hiệu mừng cho những người trong ngành xuất bản - in - phát hành sách chúng tôi".
 
"Thức dậy" văn hóa đọc
 
Tại hội chợ sách, các nhà xuất bản đã giới thiệu nhiều tựa sách đủ các thể loại, khẳng định khả năng có thể đáp ứng nhu cầu đọc, tìm hiểu của mọi người.
 
Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc NXB Kim Đồng cho biết: "Những cuốn sách viết về Bác Hồ như: "Kể chuyện Bác Hồ", "Bác Hồ kính yêu", "Cha và con", "Búp sen xanh", "Từ làng Sen"… không chỉ thu hút khách hàng lớn tuổi mà ngay cả các bạn trẻ cũng rất quan tâm. Mỗi đầu sách đã bán được hàng trăm cuốn.
 
Các bộ sách tranh truyện lịch sử Việt Nam với nhiều tựa mới được minh họa và trình bày đẹp như Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Thành Rồng… được phụ huynh và các em thiếu nhi lựa chọn. Đặc biệt, gần 200 cuốn "Lược sử nước Việt bằng tranh" (cuốn sách tái hiện dòng lịch sử Việt từ thuở cha Lạc Long Quân kết duyên cùng mẹ Âu Cơ, qua bao biến cố thăng trầm cho tới ngày hôm nay) đã được bán trong 4 ngày".
 
Điều này cho thấy người Việt Nam vẫn muốn khám phá lịch sử nước nhà. Chị Nguyễn Phương Thu (Công ty truyền thông Nhã Nam) cho biết, cuốn sách "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" của GS. Ngô Bảo Châu bán rất chạy. Ngày đầu, Nhã Nam đã bị "cháy hàng".
 
Trong khi đó, ông Phạm Quang Vinh cũng cho hay, những cuốn sách về tìm hiểu khoa học và tri thức nhân loại của NXB Kim Đồng như: "Thám hiểm", "Tinh thể" và "Đá quý", "Đại dương"… ra mắt chưa lâu, nhưng các bạn trẻ rất thích.
 
Rõ ràng, những cuốn sách chứa đựng nhiều kiến thức vẫn có sức hấp dẫn độc giả. Chia sẻ của những người đến hội chợ sách lần này, đã cho thấy rất rõ tác động "đánh thức" thói quen đọc mà cuộc hội ngộ sách đã mang lại.
 
Như Nguyễn Thị Huệ, sinh viên năm 3, trường ĐH KHXH&NV chia sẻ: "Từ ngày học ĐH em trở nên lười đọc sách, có lẽ là do không bị bắt ép. Nhưng đến đây, thấy có nhiều sách hay, em vét sạch tiền trong túi để mua về đọc". Rõ ràng, cả những người làm sách và độc giả đã quan tâm nhiều hơn đến văn hóa đọc. Đây thực sự là một điều rất đáng mừng!