Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo báo chí tiếp cận chuẩn quốc tế

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, bên cạnh ngành Báo chí và Quan hệ công chúng, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH KHXH&NV) – ĐH Quốc gia Hà Nội mở và tuyển sinh chương trình Báo chí chất lượng cao (CLC) theo 8 tổ hợp với 30 chỉ tiêu.

 Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV chia sẻ, trước nhu cầu rất lớn của người học, hàng năm nhà trường chỉ tuyển 100 chỉ tiêu ngành Báo chí nhưng có tới 2.000 – 3.000 người đăng ký xét tuyển, tỷ lệ cạnh tranh 1/30. Nghĩ tới quyền lợi của người học sẵn sàng đóng thêm học phí để được học ngành Báo chí có chất lượng như hiện nay, thậm chí cao hơn cũng như nhu cầu nhân lực thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 nên nhà trường mở chương trình đào tạo Báo chí CLC. Điểm khác biệt của chương trình Báo chí CLC là đảm bảo đầu ra với chất lượng cao hơn. Bên cạnh những phòng học có bàn ghế, điều hòa, phương tiện máy móc, màn hình trình chiếu, nhà trường còn đầu tư cơ sở để sinh viên được thực tế và thực hành. 
Chương trình Báo chí CLC của trường ĐH KHXH&NV hướng đến chuẩn đầu ra tiếp cận quốc tế cũng như theo đặt hàng của đơn vị tuyển dụng chất lượng cao. Do đó, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông của trường thiết kế, 20% trên tổng số 155 tín chỉ của chương trình Báo chí CLC có nội dung được giảng dạy bằng tiếng Anh. “Năm thứ nhất hoặc 1,5 năm học đầu tiên, nhà trường sẽ dành nhiều thời gian để sinh viên nâng cao ngoại ngữ. Đồng thời sẽ có các môn học bằng ngoại ngữ từ đơn giản đến nâng cao. Từ năm thứ ba, thứ tư sẽ có nhiều môn học bằng ngoại ngữ, khi ra trường sinh viên đạt chuẩn B2 theo khung năng lực châu Âu” – PGS.TS Hoàng Anh Tuấn thông tin thêm.

Với chương trình đào tạo theo hướng tác nghiệp đa loại hình báo chí, có định hướng chuyên ngành, sau khi nhập học, sinh viên được đào tạo khối kiến thức rộng của các ngành khoa học xã hội. Sau đó, sinh viên sẽ được đào tạo về các loại hình báo chí và truyền thông (báo in, ảnh, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, truyền thông, quảng cáo). Năm học cuối cùng, sinh viên được lựa chọn định hướng một trong các chuyên ngành như: Báo in – Báo điện tử, Phát thanh – truyền hình hoặc Truyền thông – quảng cáo. Vì Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là đối tác, đầu mối hợp tác với nhiều tổ chức báo chí ở trong và ngoài nước nên giảng viên, sinh viên luôn có cơ hội trao đổi nghề nghiệp. Giảng viên và sinh viên cũng được cập nhật thông tin và rèn luyện kỹ năng tác nghiệp với các nhà báo, phóng viên, giảng viên báo chí ở trong nước và nước ngoài. Việc hướng tới tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu, yêu cầu chất lượng của các cơ quan báo chí trong nước, tiến tới là các tổ chức báo chí và truyền thông nước ngoài cũng là cơ hội cho sinh viên theo học mở rộng cơ hội nghề nghiệp.