Nhìn từ nghị trường cũng như thực tế có thể thấy rằng, sau hơn 5 năm triển khai, Luật Đất đai 2013 dù đã mang lại những kết quả nhất định nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vi phạm đất đai có xu hướng gia tăng và chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.
Không phải lần đầu tiên vấn đề đất đai làm "nóng" nghị trường, nhưng lần này một bức tranh tổng thể về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đã được “vẽ” ra qua đợt giám sát tối cao của Quốc hội. Có thể nói rằng, bên cạnh những kết quả, những hạn chế cũng chiếm một phần không nhỏ, từ các sai phạm phổ biến nhất là lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, thực hiện dự án không hiệu quả, đến những vi phạm liên quan đến xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng đã được phê duyệt diễn biến phức tạp, rồi tình trạng quy hoạch treo gây lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội…
Thực tế, một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng, gây lãng phí, đất đai để hoang hóa. Và hàng loạt những vi phạm pháp luật nghiêm trọng về đất đai, đặc biệt là các vụ việc tồn đọng kéo dài vẫn gây bức xúc cũng được đề cập tới. Bởi thế, đất đai vẫn chiếm tới trên 60% các vụ việc khiếu nại, tố cáo và chưa có dấu hiệu giảm.
Như các đại biểu đã nhận định, dù qua giám sát đã thể hiện bao trùm, song thật khó để tưởng tượng và thống kê đầy đủ những bất cập sai phạm trong lĩnh vực này. Từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8B Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam hay việc “xà xẻo” các mảnh đất vàng tại các đô thị lớn, đến những vụ việc nhỏ hơn khó có thể liệt kê.
Một đại biểu Quốc hội đã nhận định: “Có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong Nhân dân”.
Đáng chú ý, trước thực trạng “nóng” ấy, giải pháp siết chặt quản lý cũng khiến các đại biểu băn khoăn bởi vẫn còn nhiều biểu hiện buông lỏng kỷ cương, kỷ luật và xử lý sai phạm chưa nghiêm ở hầu hết các khâu quản lý. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, luật cũng còn chồng chéo. Như hiện vẫn chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Rồi việc “phạt cho tồn tại” cũng vô hình trung đã khuyến khích hành vi vi phạm chính sách, pháp luật, coi thường kỷ cương, pháp luật.
Bởi thế, các đại biểu đã đặt câu hỏi về trách nhiệm tham mưu, quản lý Nhà nước và năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ được giao trực tiếp trong lĩnh vực này, để làm rõ đâu là năng lực yếu, đâu là có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, đâu là sự buông lỏng trong công tác quản lý? Bởi không phải vi phạm nào cũng do cơ chế, do Luật.
Từ việc rà soát tổng thể ấy, kịp thời khắc phục vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, việc xử lý đặc biệt được nhấn mạnh. Khi sai phạm được phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức cơ quan Nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với cả DN, các chủ đầu tư. Vì sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của "các bên", như có đại biểu ví, "không thể vỗ tay bằng một bàn tay". Đồng thời, việc sửa đổi kịp thời Luật Đất đai, lấp những khoảng trống pháp lý, triệt tiêu những hiện tượng, sự việc bất thường đã và đang diễn ra trong thực tiễn cũng là một yêu cầu cấp bách để “giảm nhiệt” đất đai.