Tháng hành động lần đầu tiên sau 18 năm thực hiện Tuần lễ an toàn vệ sinh lao động, lại do TP Hà Nội đăng cai, khiến ai nấy đều cảm nhận được quyết tâm của các cấp, ngành để đi tới mục tiêu cải thiện môi trường lao động, hạn chế tối đa các tai nạn có thể xảy đến với người lao động.
Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Việc chuyển từ “Tuần lễ” sang “Tháng” này nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động. Thế nên, tháng hành động lần đầu tiên “chốt mốc” từ năm 2017 sẽ bắt đầu từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của tháng 5; lễ phát động mang tính toàn quốc cũng được thực hiện với tinh thần đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả hướng về DN, cơ sở.
Không phủ nhận, việc tổ chức Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ trong 18 năm qua cùng với các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động đã và đang góp phần kiềm chế tai nạn, bệnh tật liên quan đến lao động. Tuy nhiên, các vụ tai nạn lao động cùng với số người chết, bị thương vẫn là một con số cần được quan tâm giảm thiểu. Bởi chỉ tính con số thống kê chưa đầy đủ của năm 2016, đã thấy cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 860 người chết, nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, khai thác thủy sản, hải sản. Lỗi tại người sử dụng cũng có, mà lỗi của bản thân người lao động cũng không ít… Và thật tiếc rẻ khi thiệt hại về vật chất, chi phí bồi thường thiệt hại, thuốc men, mai táng lên tới gần 180 tỷ đồng. Thế nên, việc nhà quản lý xác định khi tổ chức Tháng hành động: Để triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động hiệu quả, với phương châm an toàn, vệ sinh lao động phải là những hành động cụ thể tại nơi làm việc, của những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, là rất thực tế. Hơn thế, lấy phòng ngừa thay cho việc giải quyết hậu quả, trong đó, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động là giải pháp tốt nhất để người lao động biết và phòng tránh được tai nạn lao động.
Mục tiêu đã rõ, kế hoạch đã “lên khuôn”, quyết tâm của các cấp, ngành cũng rõ nét, không cớ gì để không đặt niềm tin vào sự cải thiện môi trường lao động và giảm thiểu tối đa tai nạn lao động ở Việt Nam.