Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn Hà Nội xưa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 60 bức ảnh màu trên chất liệu kính do nghệ sĩ người Pháp Léon Busy bấm máy cách đây một thế kỷ đang được trưng bày trong triển lãm "Hà Nội sắc màu" tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội).

Ngắm những cảnh sinh hoạt của người dân Hà thành thời ấy, bất cứ ai cũng lắng lòng nghĩ về việc bảo tồn những giá trị văn hóa và tu bổ tôn tạo cảnh quan đô thị hiện nay.

Nét độc đáo xưa

Để làm nổi bật ý nghĩa của 60 bức ảnh được chọn từ bộ sưu tập gốc gồm hơn 1.500 phiên bản hình màu chụp từ năm 1914 - 1915, ngoài trưng bày ảnh, Ban tổ chức còn chú thích khá đầy đủ bằng song ngữ Việt - Pháp bên cạnh mỗi khung hình. Điều đó giúp người xem hiểu rõ hơn về những tập tục của người dân Hà thành lúc bấy giờ. Đơn cử như bức ảnh cô gái đang ngồi têm trầu, ngoài nêu tác dụng của việc ăn trầu, còn nói về cách thức têm trầu; Hay hình ảnh làm lễ cầu an vào dịp Tết…
Ảnh phụ nữ Hà Nội xưa.
Ảnh phụ nữ Hà Nội xưa.
Có thể nói, nét riêng của Hà Nội đã được thể hiện rõ trong triển lãm này. "Khi dạo quanh phố phường Hà Nội, không chỉ có nhà và cửa hiệu là đáng để ý nghiên cứu. Trên đường phố và quảng trường đầy rẫy không biết cơ man nào là các thứ tiểu công nghiệp lộ thiên, khiến cố đô Đông Kinh quả là một thành phố hứng khởi bậc nhất trên thế giới này" - đó là cảm tưởng của bác sĩ quân y Hocquard lúc ông đặt chân đến Bắc kỳ năm 1884. Ba mươi năm sau, những phiên bản hình màu do Léon Busy chụp lại minh chứng cho điều đó. Đây có lẽ cũng là cảm giác của nhiều du khách khi đến Hà Nội hôm nay - nơi trải qua bao biến động lịch sử và thời gian vẫn còn phảng phất nét xưa thâm trầm. Đó là những đường phố với tên gọi gợi lên những ngành nghề thủ công được người dân tập hợp thành phường. Có phường đã có mặt từ nhiều thế kỷ, như phường sản xuất giấy, phường dệt tơ tằm; phường nhuộm đào, phường đúc đồng... Những phường khác lại dần dần xuất hiện, vào thời điểm TP Hà Nội trên đà phát triển, thế kỷ XVIII và XX.

Cần được lưu giữ, bảo vệ
Ngoài 60 tác phẩm kính ảnh màu, triển lãm còn trình chiếu khoảng 10 phim ngắn đen trắng được quay vào thời kỳ này. Kết thúc tại Hà Nội vào ngày 4/1/2014, các tác phẩm sẽ tiếp tục được triển lãm tại Pháp.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: "Không ít nhiếp ảnh gia từng để lại nhiều bức ảnh giá trị về thời điểm xa xưa, song những "phiên bản kính tự nhiễm sắc" này mới thật là những bức ảnh màu đầu tiên, nhờ phát minh của anh em gia đình Lumières (1903) với kỹ thuật chụp cho phép tái hiện được đa dạng màu sắc nhất. Chính nhờ phát minh màu này mà những tư liệu có thêm một tầm cỡ khác rất đáng chú ý, ấy là tính chính xác. Chẳng hạn như, nhìn vào những hình ảnh này, người xem có thể biết rõ ràng áo quần thời ấy màu sắc ra sao, người giàu mặc thế nào và người nghèo mặc thế nào. Hay như đồ chơi của trẻ em, dù tầm thường thế nào, đều "khoe" vẻ đẹp muôn màu. Cây cối đến mùa trổ hoa cũng mang sắc thái khác nhau. Đây là những tác phẩm chân thực đến không ngờ, chúng khiến tôi bị ám ảnh".

 Tất cả đều toát lên một điều, những bức ảnh màu do Léon Busy chụp không chỉ ghi lại những gì đã không còn trong di sản văn hóa, mà còn chứng minh một sự tiếp nối hiển nhiên, sau một thế kỷ đầy xáo trộn của những sắc thái Hà Nội. Những cảnh sinh hoạt, phong tục tập quán, nết ăn nết ở… của người Hà Nội sẽ trở thành "vốn quý" có ý nghĩa không nhỏ đối với thế hệ sau. Đặc biệt, khi chúng ta có nhu cầu phục hồi những hình ảnh trong quá khứ như dựng phim, sáng tác nghệ thuật thì đây chính là nguồn cảm hứng bất tận. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người trong giới làm nghệ thuật, nghiên cứu văn hóa cho rằng, những bức ảnh này là ký ức không bao giờ lặp lại, cần có một nơi để lưu giữ và bảo vệ.