Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn mùa Thu lịch sử

Mộc Miên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Sắc vàng của nắng không còn gắt gỏng, chói chang mà hanh hao, nhẹ nhàng. Đi qua phố, dễ cảm nhận hương Thu buông lơi trên vòm lá chuyển vàng, se sẽ trong từng đợt gió mùa về là từng đọt nắng sớm mai chiếu lung

Du khách trải nghiệm “Chuyến tàu lịch sử” tại mô hình Ga Hàng Cỏ. Ảnh: Mộc Miên
Du khách trải nghiệm “Chuyến tàu lịch sử” tại mô hình Ga Hàng Cỏ. Ảnh: Mộc Miên

Thu Hà Nội với cảnh sắc yên bình, lãng mạn từng được CNN nhận xét “Hà Nội là một trong 12 điểm lý tưởng nhất thế giới vào mùa Thu”. Nhằm khai thác lợi thế mùa Thu Hà Nội trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, ngành du lịch Thủ đô đã tổ chức chương trình Festival Thu Hà Nội như một sự kiện thường niên mỗi mùa Thu đến.

Lần đầu tiên ra mắt năm 2023, Thu Hà Nội có chủ đề “Đến để yêu” để lại ấn tượng, cảm xúc với nhiều người dân và du khách. Chương trình nhận giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 16 cho hạng mục “Việc làm Vì tình yêu Hà Nội”. Tiếp nối thành công, Festival Thu Hà Nội năm 2024 trở lại với chủ đề “Mùa Thu lịch sử” diễn ra từ ngày 19 đến 22/9/2024. Đây là dịp người dân và du khách được tận hưởng trọn vẹn nhịp sống văn hóa và ẩm thực Hà Nội cùng hoài niệm về những ngày Thu lịch sử trong không gian phố đi bộ hồ Gươm và các vùng phụ cận.

Mặc dù tổ chức trong những ngày thời tiết không thuận lợi, thoắt nắng, thoắt mưa nhưng dòng người đổ về phố đi bộ cuối tuần vẫn đông đúc, nhộn nhịp. Hòa mình chụp ảnh cùng bạn bè bên những biểu tượng của Thủ đô như Cột cờ Hà Nội, Ga Hàng Cỏ - Chuyến tàu lịch sử, cầu Long Biên, Ô Quan Chưởng… du khách ấn tượng với khu làng nghề tiêu biểu được thiết kế sáng tạo, phô diễn sản phẩm thủ công truyền thống tinh xảo, xứng danh “mảnh đất trăm nghề” xứ Bắc.

Du khách quốc tế trải nghiệm làm quạt giấy do kim châm làng Vác (huyện Thanh Oai). Ảnh: Mộc Miên
Du khách quốc tế trải nghiệm làm quạt giấy do kim châm làng Vác (huyện Thanh Oai). Ảnh: Mộc Miên

Đó là gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ thái, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã, Mây tre đan Phú Vinh, Quạt làng Vác, thêu Thường Tín, nón làng Chuông, kim hoàn Châu Khê, quạt Chàng Sơn.... Trong đó, có những sản phẩm lần đầu xuất hiện như tác phẩm “Hào khí Thăng Long” bằng đồng nguyên khối, tác phẩm “Phù điêu Bác Hồ” đọc Tuyên ngôn Độc lập; tác phẩm sen Thu trên gỗ lũa, quạt giấy dó châm kim rồng chầu mặt nguyệt… Dạo một vòng tham quan các gian hàng như được sống trong một làng nghề truyền thống thu nhỏ của Hà Nội. Tại đây, du khách còn được trải nghiệm thực tế các công đoạn gia công sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề. Niềm hồ hởi, hân hoan xen lẫn thán phục trước tay nghề tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề Hà Nội khi trình diễn nghề nặn tò he Phượng Dực (huyện Phú Xuyên), diều sáo Dương Nội (huyện Đan Phượng), làm quạt giấy do kim châm (huyện Thanh Oai), quạt Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), làng hương Quảng Phú Cầu và nghề may áo dài Trạch Xá (huyện Ứng Hòa),… Qua các buổi trải nghiệm thực tế, du khách hiểu và trân trọng những sản phẩm thủ công truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ. Bởi thế, không lạ khi các gian hàng trải nghiệm nghề thủ công truyền thống “đắt” khách nhất mùa lễ hội năm nay.

So với lần đầu tổ chức, khu ẩm thực Hà Nội có quy mô nhỏ hơn, ít gian hàng nhưng du khách có thể khám phá trọn vẹn thức quà Thu Hà Nội qua sản phẩm cốm đặc trưng của cốm Mễ Trì, bánh cốm Hàng Than, trà sen Tây Hồ, cà phê phố cổ…

Với dấu ấn hơn 50.000 du khách trải nghiệm tại Festival Thu Hà Nội năm 2024, mùa Thu Hà Nội đã trở thành điểm hẹn văn hóa, di sản của du khách khi đến với Hà Nội, góp phần giữ vững danh hiệu của ngành du lịch Hà Nội được vinh danh “Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á” và “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á”.