Dấu chân sinh thái trong nông nghiệp thế hệ mới

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những DN tiên phong và dẫn đầu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, Công ty TNHH Eco Footprint với triết lý kinh doanh: Xanh, sạch, an toàn, thân thiện, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, từ đó nâng cao chất lượng sống cho xã hội.

Tiềm năng nhưng... khó
Công ty TNHH Eco Footprint (Dấu chân sinh thái) được thành lập năm 2015 và lựa chọn hướng đi là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eco Footprint Phạm Đức Minh thông tin, hiện Eco Footprint là đại diện thương mại, độc quyền phân phối các sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới chuyên sản xuất các loại: Giá thể, phân bón hữu cơ, vật tư nông nghiệp... đến từ các nền nông nghiệp tiến như: New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Italia, Na Uy, Chile...
Ngoài ra, Eco Footprint có 2 nhà máy tại Hải Dương và Đồng Nai sản xuất phân bón hữu cơ, giá thể, vật tư nông nghiệp... với nguyên liệu là phụ phẩm của ngành chế biến nông lâm sản Việt Nam phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eco Footprint Phạm Đức Minh (ngoài cùng bên phải) đang giới thiệu với lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT về sản phẩm của doanh nghiệp tại Triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Một số sản phẩm đã xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản và tương lai là thị trường Hàn Quốc, châu Âu. “DN luôn tìm kiếm, sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước có chung mục tiêu vì một nền nông nghiệp an toàn thân thiện và phát triển bền vững theo hướng hữu cơ tại Việt Nam” - doanh nhân này nói.
Hiện Việt Nam đã có trên 43.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, do đó nhu cầu sử dụng các sản phẩm cung ứng cho ngành nông nghiệp hữu cơ tăng cao. Hơn nữa nông nghiệp Việt Nam mạnh về sản lượng cũng như đầu ra nên những sản phẩm này rất có tiềm năng tại Việt Nam.
Số các DN nước ngoài đang tìm kiếm thị trường tại Việt Nam trong lĩnh vực này minh chứng, trong vòng 5 năm qua, nhu cầu nhập khẩu phân bón hữu cơ của Việt Nam đều tăng ít nhất 40 - 50%/năm, đặc biệt năm 2016 tăng 78%... chứng tỏ nhu cầu của nông nghiệp Việt Nam rất lớn. Ngay cả người dùng nông sản, xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ cũng đang tăng mạnh, dù những sản phẩm này chi phí không hề rẻ.
Tiềm năng là vậy, song theo Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eco Footprint Phạm Đức Minh, phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam rất khó khăn, bởi chúng ta có nền nông nghiệp canh tác thâm canh rất lâu năm bằng các vật liệu vô cơ và chất hóa học. Do vậy, để chuyển đổi sang canh tác hữu cơ sẽ mất rất nhiều thời gian để cải tạo đất, thay đổi thói quen canh tác của người nông dân, người làm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trường cho các sản phẩm cung ứng cho nông nghiệp hữu cơ cũng chưa lớn, sản phẩm mới hoàn toàn nên thị trường có nhiều thử thách. Bản thân Eco Footprint khi đưa sản phẩm về Việt Nam ban đầu, người tiêu dùng nông nghiệp không biết đó là sản phẩm gì. DN mất rất nhiều thời gian để thuyết phục, hướng dẫn khách hàng dùng thử, đồng hành cùng họ đánh giá kết quả. Để bán được một sản phẩm phải mất 2 - 3 năm mới bán được.
Thay đổi tư duy
Hiện, Eco Footprint đã có sản phẩm xuất khẩu, nhưng muốn phân phối được sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, DN phải trải qua quá trình đăng ký, thử nghiệm 2 năm mới đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Đó là giấy phép lưu hành, công bố hợp chuẩn hợp quy, công bố chất lượng tiêu chuẩn cơ sở, quy định về phân bón chất trồng dùng trong nông nghiệp…
“DN phải mất một thời gian đánh giá thực địa, trên đồng ruộng, sau đó mới được cấp giấy phép và đưa vào phân phối. Dự kiến, các sản phẩm do Eco Footprint sản xuất năm 2020 mới có mặt trên thị trường Việt Nam” - ông Phạm Đức Minh chia sẻ.
Vượt qua khó khăn, để có thị trường, Eco Footprint đã tập hợp một nhóm các công ty nước ngoài hình thành hệ sinh thái. Ngoài cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, Eco Footprint còn cung cấp gói giải pháp như tư vấn để xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGap hay Global Gap… hoặc triển khai các mô hình canh tác nông nghiệp mới, như trồng trong nhà kính…
Lạc quan thị trường nông nghiệp hữu cơ Việt Nam rất tốt, ông Minh dẫn chứng, ban đầu thành lập DN với quy mô khá khiêm tốn, nhưng sau 5 năm với xu hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam đang dần phát triển, doanh thu của DN năm sau thường tăng gấp 500 lần năm trước.
Tuy nhiên, để dùng sản phẩm nông nghiệp đầu cuối, ông Minh nhận định, cần mất một thời gian để định hình lại cho người dân, ngoài ra, việc tư vấn cho người canh tác nông nghiệp thế nào là hữu cơ, thế nào là sạch.
“Nhận thức về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch của người trồng, người tiêu dùng vẫn chưa rõ ràng, lơ mơ. Nhiều người cho rằng, nông nghiệp hữu cơ là không dùng phân hóa học, sạch là không dùng phân hóa học hay hữu cơ là 100% hữu cơ… điều này không hoàn toàn đúng” - ông Minh chỉ ra.
Vì thế, doanh nhân này mong muốn, các bộ, ban, ngành hỗ trợ tổ chức những triển lãm, tập huấn về vấn đề này nhiều hơn để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người canh tác nông nghiệp về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; có cách tư duy mới về làm nông nghiệp, chứ hội chợ không chỉ là bán, mua.

"Công ty TNHH Eco Footprint hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực và ngành nghề sau: ​ Nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ nuôi cấy mô thực vật, công nghệ lai tạo giống, công nghệ trồng cây trong nhà kính.

Eco Footprint cam kết mang lại cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt nhất. DN luôn tìm kiếm, sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước có chung mục tiêu vì một nền nông nghiệp an toàn, thân thiện và phát triển bền vững theo hướng hữu cơ tại Việt Nam." - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Eco Footprint Phạm Đức Minh