Đại diện NHNN tại buổi họp báo công bố chính thức chiều 4/1 cho biết, thị trường ngoại hối chịu tác động không chỉ do những yếu tố kinh tế mà còn do tâm lý, kỳ vọng thị trường. Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố để tránh hiện tượng găm giữ USD.
Tỷ giá có lên có xuống
Sau 4 tháng duy trì tỷ giá bình quân liên NH ở mức 21.890 đồng, ngày 4/1/2016, NHNN đã nâng lên 21.896 đồng (cao hơn tỷ giá bình quân liên NH trước đây 6 đồng), mở ra một giai đoạn mới, tỷ giá trung tâm sẽ biến động theo ngày. “Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên NH, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của 8 đồng tiền có quan hệ thương mại (USD, EU, tiền Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc) - những nước vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam. Đồng thời, các cân đối vĩ mô cũng sẽ được xem xét như: Yếu tố về lạm phát, lãi suất, lượng cung tiền… phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ” - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Tỷ giá trung tâm của VND/USD do NHNN công bố hàng ngày là cơ sở để các tổ chức tín dụng được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua - bán. Hiện nay, biên độ dao động của tỷ giá trên thị trường là +/-3%, áp dụng từ tháng 8/2015. “Như vậy, cách thức điều hành tỷ giá mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày. Không đoán được mà nhà đầu tư vẫn mua USD để cất giữ, để đầu cơ chờ giá lên sẽ đối mặt với nhiều rủi ro” - bà Hồng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, một mình cơ chế này không thể triệt tiêu được tâm lý đầu cơ mà cần phải phối hợp ngân sách, chính sách tài khóa. “Các DN sẽ buộc phải vận động theo cơ chế thị trường. DN Việt Nam chưa phải quá quen với công cụ thị trường phái sinh, do vậy cần một quá trình tương tác giữa NH thương mại, các định chế tài chính và DN. Đây cũng chính là lý do vì sao chúng ta cần bước đi linh hoạt dần dần với học hỏi của thị trường và hội nhập của Việt Nam” - TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhận xét.
Thêm nhiều công cụ điều hành tỷ giá
Thực tế, trước những thông tin về "tỷ giá trung tâm", không ít DN xuất, nhập khẩu đã tỏ ra băn khoăn về những rủi ro tỷ giá trong thời gian tới. Chẳng hạn như DN Việt Thắng, mỗi năm nhập khẩu tới 50 triệu USD sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật. Trong bối cảnh đồng USD đang mạnh lên như hiện nay, nếu không có cơ chế neo giữ tỷ giá như trước, DN này lo ngại họ sẽ buộc phải nhập ít hàng hơn. “Đối với DN, có thể phải đối mặt với các rủi ro về vận hành, pháp lý, thị trường… Trong rủi ro về thị trường có rủi ro về giá cả hàng hóa, về giá cả đầu ra, nguyên vật liệu đầu vào, giá cả của các sản phẩm tài chính (bao gồm cả lãi suất và tỷ giá). Đây là những biến động mang tính khách quan mà DN cần phải có phương pháp quản trị” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét. Vấn đề nữa, theo ông Doanh, để chống găm giữ và đầu cơ đi đôi với tỷ giá hối đoái là các chính sách về quản lý ngoại hối cũng như làm sao giảm thiểu vai trò, hoạt động của thị trường ngoại hối phi chính thức. Thông qua đó, việc đầu cơ, găm giữ, sử dụng ngoại tệ một cách không hợp lý sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, bà Hồng cho biết, cơ chế tỷ giá mới sẽ tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm phái sinh tại Việt Nam như một công cụ tài chính nhằm hỗ trợ DN loại trừ rủi ro biến động tỷ giá. Ghi nhận tại một số NH cho thấy, sau khi có thông tin về cơ chế điều hành tỷ giá mới, các sản phẩm phái sinh, tuy còn khá mới tại thị trường tài chính Việt Nam đã được giao dịch nhiều gấp 10 - 20 lần so với trước đó.
Dù tỷ giá được điều hành linh hoạt hơn, song NHNN vẫn khẳng định sẽ có nhiều biện pháp để ổn định thị trường ngoại tệ, đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh BIDV Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng
|
Ngay sau khi NHNN công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên NH áp dụng cho ngày 4/1 là 21.896 đồng, giá USD tại các NH đã được điều chỉnh tăng đồng loạt từ 10 - 50 đồng, trong đó chủ yếu là giá mua. |