Hàn the có tên hóa dược là borax, là muối natri của acid boric. Đây là một chất sát khuẩn và nấm yếu, được dùng trong y tế để làm săn, dùng ngoài để diệt khuẩn và nấm nhẹ. Nhiều y văn và dược văn ghi rõ: Không dùng boric hoặc borax đường uống.
Hàn the không có trong danh mục các chất được Bộ y tế cho phép dùng chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó. Tuy nhiên, không biết từ bao giờ, người ta cho hàn the vào bún, bánh phở, bánh đúc, bánh cuốn, bánh đa, thạch, xu xê, giò, chả và nhiều thức ăn khác.
Có thể sử dụng que thử dạng giấy để xác định chất hàn the trong giò, chả.
|
Hàn the thường được cho vào các thức ăn như giò chả, nem chua, mì sợi, dưa chua, để làm tăng độ dai, giòn của những món ăn này. Trong bảo quản thực phẩm, hàn the khi cho vào thịt, tôm, cá làm những thức này lâu ươn, khi cho vào thịt, lạp xưởng hàn the giúp giữ sắc đỏ, tạo màu đẹp mắt cho những thức ăn này.
Ngoài ra hàn the còn được dùng trong hoá chất diệt gián và có trong thành phần một số dược phẩm. Tuy đã được dùng từ rất lâu nhưng những năm gần đây hàn the đã bị cấm sử dụng trong thức ăn nguyên nhân do những tác hại nguy hiểm của hàn the ngày càng được ghi nhận thấy nhiều hơn.
Hàn the hấp thu dễ dàng vào máu
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Nội tổng quát 1 BV Nhi Đồng 1 cho biết, hàn the được hấp thu vào cơ thể con người qua đường ăn uống rất nhanh, vào máu độc chất sẽ đi đến khắp các cơ quan, tập trung nhiều nhất ở ống tiêu hoá, gan, thận não, da. Được giữ trong cơ thể đến 3 ngày hàn the mới thải ra ngoài qua nước tiểu nhưng một lượng vẫn tích lũy lại rất lâu trong cơ thể. Hàn the là chất có độc tính cao đối với cơ thể con người, ăn thức ăn chứa 15 gam hàn the đủ gây độc cho cơ thể người lớn. Nhưng với trẻ em chỉ cần ăn thức ăn chứa 1 gam hàn the là đủ để gây ngộ độc cấp gây tổn thương nhiều cơ quan, nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng ngộ độc hàn the
Trẻ em ăn từ 1 gam trở lên sẽ bị ngộ độc cấp tính. Trẻ có các triệu chứng tương tự như các bệnh lý tiêu hoá thường gặp như buồn nôn, nôn nhiều, chất nôn ói có đặc điểm là dịch màu xanh. Trẻ cũng bị đau bụng, tiêu chảy hoặc đi tiêu phân màu đen. Trường hợp nặng sẽ bị co giật, hôn mê, sau đó diễn tiến đến suy thận, sốc nặng gây tử vong.
Ăn liều thấp kéo dài, hàn the tích lũy trong cơ thể gây triệu chứng ngộ độc mãn, trẻ có triệu chứng co giật, suy thận, da thường bị bong tróc nhiều. Ngoài những triệu chứng trên, hàn the còn có khả năng gây bệnh ung thư và những hệ quả lâu dài đến thế hệ sau.
Cách phòng tránh ngộ độc hàn the
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Kim Thoa, việc phòng tránh ngộ độc hàn the tốt nhất là không nên ăn những thức ăn có chứa hàn the. Để việc phòng tránh có hiệu quả tích cực cần tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng những tác hại của hàn the để mọi người tự giác tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm.