Hành vi này được thể hiện bằng việc nhà thầu thi công đã tự ý chuyển san lấp nền chợ từ đất sang bùn đen và đất phế thải.
Chủ trương đúng
Để thực hiện việc đưa các chợ tạm, chợ không đủ tiêu chuẩn của địa phương về một mối, ngày 16/6/2014, UBND huyện Quốc Oai có Văn bản số 675a/UBND-KT giao nhiệm vụ cho một số phòng, ban chuyên môn cùng UBND xã Tân Phú thẩm tra, xem xét đầu tư xây dựng chợ đầu mối xã Tân Phú rộng 8.700m2 với các hạng mục san nền, làm cống rãnh thoát nước, làm đường giao thông nội bộ trong chợ, xây tường bao quanh, xây nhà cầu và ki ốt, làm mặt nền chợ có tổng giá trị 5,8 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Ngày 13/4/2015, Phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai có Báo cáo số 20/BC-QLĐT về việc thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán đầu tư công trình xây dựng chợ Tân Phú (giai đoạn 1) do UBND xã Tân Phú làm chủ đầu tư xây lắp các hạng mục, gồm: San lấp nền chợ, xây cống rãnh thoát nước thải với hơn 2 tỷ đồng, thực hiện trong 60 ngày. Tiếp đó, ngày 17/4, UBND xã Tân Phú có Tờ trình số 12A/TTr-UBND gửi UBND huyện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch đấu thầu chợ làm cơ sở pháp lý. Đến ngày 28/9, UBND huyện Quốc Oai có Quyết định số 2384/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình chợ xã Tân Phú (giai đoạn 1). Qua đó, ngày 28/10, UBND xã Tân Phú có Quyết định số 56/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện DA. Ngày 29/10, chủ đầu tư và nhà thầu là Công ty CP Tư vấn xây dựng & thương mại Phúc Thành Đạt (Công ty Phúc Thành Đạt) tiến hành thi công gói thầu san lấp mặt bằng.
Chuyển san lấp mặt bằng từ đất sang phế thải và bùn đen
Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày khởi công, người dân đã phát hiện nhà thầu tự ý chuyển gói thầu san lấp mặt bằng từ loại đất K85 sang đất phế thải và bùn đen. Tại thời điểm này, theo thông tin từ phía người dân địa phương, ước tính đã có gần 100m3 đất bùn, đất phế thải được tập kết về đây để san lấp tạo mặt bằng. Mặc dù, sau khi phát hiện chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu dừng san lấp mặt bằng để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, nhà thầu không thực hiện theo yêu cầu của chủ đầu tư. Chỉ đến ngày 10/11, Ban giám sát cộng đồng xây dựng chợ phát hiện DN vẫn cố tình chở đất phế thải, bùn đen về tiếp tục san lấp nền chợ. Đến lúc này, chủ đầu tư mới quyết liệt vào cuộc và yêu cầu nhà thầu dừng ngay việc san lấp, đồng thời thu dọn máy móc, phương tiện chờ khắc phục hậu quả đã gây ra. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, DN đã san lấp được gần 3.000m2 nền chợ, nhưng đã có đến hàng trăm mét khối đất bùn đen, đất phế thải được nhà thầu cho chở về đây để san lấp mặt bằng. Hành vi cố tình tái phạm của nhà thầu khiến người dân địa phương cho rằng, phải chăng có sự móc nối giữa chủ đầu tư và DN trong việc tự ý thực hiện chuyển gói thầu san lấp nền chợ từ đất sang bùn đen và đất phế thải?
Theo một số người dân địa phương cho biết, hành vi vi phạm của DN cố tình tự ý chuyển từ san lấp đất thành đất bùn, đất phế thải là rất nguy hiểm nếu không được xử lý dứt điểm. Bởi vì, sau khi đưa chợ vào hoạt động, chỉ được một thời gian ngắn mặt nền chợ sẽ tự xuống cấp, hư hỏng gây khó khăn cho việc đi lại của các tiểu thương. Không những thế, hành vi này còn “qua mặt” được cơ quan chức năng để rút tiền của Nhà nước khi thực hiện thanh, quyết toán DA. Ngoài ra, DN còn thu được khoản lời hàng trăm triệu đồng từ việc thu “phế” mỗi xe ô tô khi chở đất bùn, đất phế thải đổ xuống san lấp nền chợ. Do vậy, vi phạm này cần phải được xử lý nghiêm.
Sau khi sự việc xảy ra, phóng viên đã có buổi làm việc với các cấp chính quyền xã và huyện Quốc Oai, qua đó xác định hành vi vi phạm của nhà thầu là có cơ sở. Hành vi vi phạm ở mức độ nào, phía chủ đầu tư và chính quyền huyện Quốc Oai sẽ tìm hướng giải quyết vụ việc thế nào? Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong số báo sau.
Hàng trăm mét khối đất bùn, đất phế thải đã được Công ty Phúc Thành Đạt san lấp làm nền chợ.
|