Tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ WTI vọt 4,4% và giá dầu Brent cũng tăng 2,8%, đạt mức tăng cao nhất trong gần 1 tháng qua.
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh lên mức đóng cửa cao nhất trong 2 tuần vào ngày thứ Sáu, trong đó giá dầu WTI đã vọt hơn 4% trong tuần qua, đồng thời ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong 1 tháng.
Các hợp đồng dầu thô tương lai nhận được hỗ trợ từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm dữ liệu tích cực từ Trung Quốc và những rủi ro địa chính trị từ các khu vực nhiều dầu mỏ tại Trung Đông.
Kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 85 xu Mỹ, tương đương 1,7%, lên 51,45 USD/thùng, qua đó nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 4,4%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn cộng 92 xu Mỹ, khoảng 1,6%, lên 57,17 USD/thùng. Tuần qua, loại dầu này cũng tăng 2,8%.
Cả hai hợp đồng dầu WTI và Brent Biển Bắc đều khép phiên ở mức đỉnh kể từ ngày 29/9 và ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 15/9, theo dữ liệu của FactSet.
Các thương nhân cho biết thị trường dầu mỏ đã lấy lại được đà tăng mạnh, cả hai mặt hàng tăng hơn 2%. Giá dầu trong phiên được hỗ trợ với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không ngay lập tức áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran. Thay vào đó, ông Trump “đá bóng” cho Quốc hội Mỹ 60 ngày để quyết định liệu có tái áp đặt các lệnh trừng phạt hay không.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích năng lượng tại Price Futures Group ở Chicago cho biết: “Áp lực đối với thị trường dầu toàn cầu đã giảm bớt vì Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Iran trong ngày thứ Sáu”.
Bên cạnh đó, thị trường “vàng đen” cũng nhận được lực đẩy từ việc nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ. Kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 9 tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày lên mức 9 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu từ Chính phủ nước này. Mức nhập khẩu đạt trung bình 8,5 triệu thùng/ngày trong 9 tháng đầu năm nay, củng cố vị trí nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới của Trung Quốc.
Nhập khẩu mạnh của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhu cầu mua để dự trữ dầu mỏ chiến lược. Quốc gia này đã chi tiêu khoảng 24 tỷ USD xây dựng kho dự trữ dầu thô kể từ năm 2015 và hiện giữ mức tồn trữ khoảng 850 triệu thùng, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Nico Pantelis, Giám đốc nghiên cứu tại Secular Investor, nhận định: “Dữ liệu này thể hiện nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh hơn chúng ta đánh giá và Bắc Kinh tin rằng giá dầu đang chạm đáy, vì vậy càng đẩy mạnh việc mua dầu”.
Ngoài ra, bất ổn chính trị tại Iraq cũng củng cố đà đi lên của giá dầu. Căng thẳng giữa Chính quyền trung ương Iraq tại Baghdad và các nhà lãnh đạo khu vực bán đảo người Kurd tại miền Bắc ngày càng gia tăng. Các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng giữa hai bên có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ từ khu vực này. Tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của khu vực này lên hơn 500,000 thùng/ngày.
Giá dầu nhảy vọt trong phiên cuối tuần sau 2 báo cáo của Nhóm Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và IEA được công bố trong tuần này.
Cụ thể, OPEC cho biết sản lượng dầu thô tăng gần 90.000 thùng/ngày trong tháng 9, đồng thời nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay và năm tới. Trong khi đó, IEA đánh giá cao những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và cho rằng nguồn cung toàn cầu leo dốc trong tháng 9 là do đà tăng của sản lượng dầu tại Mỹ.
Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 13/10 cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 5 giàn xuống 743 giàn trong tuần này. Đây cũng là tuần thứ 2 giảm liên tiếp của số giàn khoan dầu tại Mỹ.
Trước đó, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nguồn cung dầu thô nội địa giảm mạnh hơn dự báo và ghi nhận 3 tuần lao dốc liên tiếp.