Đây cũng là mong muốn của cả lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Y tế tại buổi làm việc chiều 22/11 giữa Bộ với TP về công tác y tế trên địa bàn Thủ đô.
Nỗ lực trong mọi lĩnh vực
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới cùng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một cao, những năm qua ngành y tế Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư cả về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Với tổng số 42 bệnh viện (BV), 4 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cùng các trạm y tế xã, phường, người dân phần nào đã được hưởng những chính sách chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất. Ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, những chỉ tiêu y tế như tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm qua các năm. Trong khi đó, tỷ lệ người dân TP tham gia bảo hiểm y tế, chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân và chỉ tiêu xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đều tăng lên qua các năm. Tính đến nay, 92,6% các xã trên địa bàn TP đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vaccine đạt trên 95%. Công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm cũng đã có những bước tiến đáng kể.
Hiện nay nhiều trạm y tế trên địa bàn Hà Nội hoạt động không có hiệu quả, nhất là các trạm gần các BV lớn. Do vậy, để có thể thí điểm nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm y tế, TP Hà Nội đề xuất phương án để các trạm y tế có cơ chế tự chủ tài chính. Trang thiết bị máy móc sẽ do TP đầu tư nhưng kinh phí duy trì thì các trạm phải thực hiện có hiệu quả phòng khám bác sĩ gia đình và lấy kinh phí từ nguồn đó. Tuy nhiên cần phải có cơ chế rõ ràng về mức hưởng bảo hiểm y tế của người dân khi khám theo mô hình này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Theo ông Hiền, chính việc cải cách thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu cho các BV tuyến TP và tuyến huyện đã giúp ngành y tế Hà Nội tạo được dấu ấn trong lòng người dân. Nhờ sự phát triển toàn diện đó, TP đã được lựa chọn là đơn vị đầu tiên thí điểm mô hình bác sĩ gia đình gắn với trạm y tế. Tiêu biểu nhất trong mô hình này phải kể đến trạm y tế xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn). Chỉ với 12 cán bộ, trạm y tế đã phối hợp với BV Tim Hà Nội và các BV tuyến trên khám sàng lọc, lập hồ sơ quản lý cho trên 10.000 đối tượng sinh sống trên địa bàn. Đặc biệt, cùng gắn với mô hình bác sĩ gia đình, trạm y tế này đã kết hợp với mô hình quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm theo chủ trương của TP. Đến nay, trạm đã quản lý được trên 500 hồ sơ bệnh nhân mắc các bệnh này. Hàng tháng, các đối tượng được quản lý được khám, lấy máu xét nghiệm, cấp thuốc miễn phí ngay tại trạm. Trong quá trình khám, nếu phát hiện những biến chứng vượt tầm chữa trị của trạm, bệnh nhân sẽ được chuyển lên các BV tuyến trên. Mô hình này đã được Bộ Y tế đánh giá cao và yêu cầu xem xét nhân rộng trên toàn TP.
Phát triển thế mạnh
Mặc dù có những bước phát triển đáng ghi nhận nhưng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vẫn thừa nhận, ngành y tế Hà Nội luôn bị “nấp bóng” bởi các BV tuyến T.Ư đóng trên địa bàn. Nhưng dù là BV tuyến T.Ư hay của Hà Nội đều hướng đến mục đích chung là nâng cao chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Do vậy, Chủ tịch nhấn mạnh, những điểm gì mà các BV tuyến T.Ư đã làm tốt thì Hà Nội không nên quá đầu tư. Đơn cử như vấn đề ghép gan, Hà Nội sẽ không thể cạnh tranh với các BV Việt Đức, Bạch Mai, 103 nên thay vào đó, TP sẽ tập trung đầu tư vào Trung tâm tiêu hóa chất lượng cao đặt tại BV Xanh Pôn với nhiều kỹ thuật cao, mới được đưa từ các nước phát triển về mà chính nhiều BV tuyến T.Ư cũng chưa làm được. Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND TP, vấn đề quy hoạch BV không nhất thiết phải xây dựng BV quy mô lớn. BV có thể quy mô nhỏ, nhưng phân bố đều trong các khu dân cư, để người dân có thể đến BV nhanh nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, ngành y tế Hà Nội cần phát triển những thế mạnh vốn có. Trước đề án thành lập BV Nhi Hà Nội, Bộ trưởng cho rằng đây là việc cần xem xét. Bởi trên địa bàn TP đã có BV Nhi T.Ư, các BV tuyến huyện, TP cũng đều có khoa Nhi. Hơn nữa, nếu tách khoa Nhi từ BV Xanh Pôn, Thanh Nhàn… để xây dựng BV Nhi Hà Nội thì các BV này sẽ không còn tính “đa khoa”. Đó còn chưa kể đến BV Nhi T.Ư đã được phê duyệt đề án xây dựng cơ sở 2 tại Quốc Oai, Hà Nội. “Điều quan trọng nhất là phải chú trọng nâng cao đội ngũ nhân lực ngành y, nâng cao chất lượng BV chứ không chỉ quan tâm riêng đến mở rộng số lượng” - Bộ trưởng nhấn mạnh.