Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư và tăng trưởng

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn đầu tư vừa là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa là yếu tố quan trọng của kinh tế vĩ mô.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2016 tính theo giá thực tế ước đạt 1.485,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015.
Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP năm 2016 ước đạt 33%, cao nhất tính từ năm 2012 đến nay, điều đó chứng tỏ việc thu hút vốn đầu tư phát triển trong năm 2016 đã có nhiều cố gắng và đạt kết quả cao nhất trong 5 năm qua. Cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có sự chuyển dịch tích cực. Nguồn vốn đầu tư phát triển của khu vực kinh tế Nhà nước tuy tăng thấp nhất (7,2%) trong 3 nguồn, nhưng vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao (37,6%). Đây là một cố gắng của Nhà nước trong điều kiện cân đối ngân sách gặp khó khăn, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài/GDP tăng và hiện ở mức cao. Một khoản quan trọng gồm vốn của các DN Nhà nước và nguồn vốn khác năm nay đã tăng lên nhờ công cuộc cổ phần hóa được đẩy mạnh đối với các tổng công ty, DN Nhà nước lớn... Tuy nhiên, ở đây có 2 vấn đề cần quan tâm khi mà thời gian để được công nhận là nền kinh tế thị trường theo cam kết khi gia nhập WTO đã đến rất gần, nhưng khu vực kinh tế Nhà nước vẫn còn “ôm đồm” nhiều quá, tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội vẫn còn ở mức cao; Hiệu quả đầu tư của nguồn vốn này thấp nhất trong 3 nguồn; hiện có hàng chục công trình nghìn tỷ thua lỗ. Trong khi cân đối ngân sách còn khó khăn, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài/GDP tăng, ở mức cao, có loại đã vượt trần phải nới trần.

Nguồn: - Ước 2016 từ Tổng cục Thống kê; Kế hoạch 2017: Nghị quyết Quốc hội.

Nguồn vốn đầu tư phát triển khu vực ngoài Nhà nước năm nay đã tăng cao hơn tốc độ chung (9,7%). Đây là kết quả tích cực của việc thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, của công cuộc khởi nghiệp được đẩy mạnh từ T.Ư đến nhiều địa phương, với sự ra đời và trở lại hoạt động của hơn 100.000 DN, hướng đến mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020... Nguồn vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm nay cũng đạt gần 24,4 tỷ U SSD, tăng 7,1%, cao nhất từ năm 2009 đến nay. Đáng lưu ý, lượng vốn thực hiện tăng và đạt kỷ lục mới, cao hơn kỷ lục đã đạt vào năm 2015 (ước 15,8 tỷ USD so với 14,5 tỷ USD). Hiệu quả đầu tư tăng trưởng biểu hiện bằng suất đầu tư tăng trưởng (hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư/GDP so với tốc độ tăng GDP). Hệ số này của năm nay đã thấp hơn những năm trong thời kỳ 2006 - 2010 (6,2 lần) và thời kỳ 2011 - 2015 (5,4 lần), nhưng lại cao hơn năm 2015 (5,3 lần so với 4,9 lần) - tức là hiệu quả đầu tư năm nay cao hơn thời kỳ 2006 - 2015, nhưng lại thấp hơn năm 2015. Quy mô vốn đầu tư cao hơn nhưng tăng trưởng GDP lại thấp hơn.
Từ diễn biến năm 2016 có thể kỳ vọng mục tiêu năm 2017 với tăng trưởng cao hơn (6,7% so với 6,21%), tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn (31,5% so với 33%), suất đầu tư tăng trưởng sẽ thấp hơn (4,7 lần) - tức là hiệu quả đầu tư cao hơn. Hiệu quả đầu tư là vấn đề lớn nhất về đầu tư/tăng trưởng trong kế hoạch năm 2017.