Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư vào nông nghiệp thấp: Rào cản hạn điền

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - DN đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 1% với số vốn khoảng 3% tổng vốn đầu tư của cộng đồng DN vào sản xuất, kinh doanh.

Đây là con số mà Nhóm công tác về Nông nghiệp công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam. Nó còn quá khiêm tốn khi nông nghiệp có nhiều tiềm năng và thị trường rộng lớn.
Nên xóa bỏ hạn điền
Nhóm công tác về Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam chỉ ra, sau hơn 30 năm đổi mới, các văn bản chủ trương, chính sách lớn về nông nghiệp vẫn duy trì vai trò nòng cốt của kinh tế hộ. Mặc dù, đã có nhiều chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng cách làm còn lúng túng nên chưa có đột phá.

Đóng gói sản phẩm nấm tốt tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.  Ảnh:  Thanh Hải

Theo ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch Nhóm công tác Nông nghiệp, cần thay đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp từ chỗ lấy hộ cá thể làm trọng tâm, chuyển sang hệ thống sản xuất lấy DN làm trọng tâm cho phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới. Muốn vậy, điều kiện đầu tiên diện tích đất đai cho sản xuất canh tác phải là quy mô lớn, biến đổi linh hoạt theo bài toán kinh doanh của từng DN. “Thực tế hiện nay, chính sách hạn điền đang là rào cản lớn nhất trong việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp” - ông Trần Mạnh Báo nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, cần tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng lấy DN làm trọng tâm, đổi mới cách làm về thị trường tiêu thụ và có chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp để hướng đến phát triển quy mô lớn và bền vững...
Đặc biệt, Nhóm công tác về Nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam kiến nghị xóa bỏ hạn điền để tạo cơ chế tập trung, tích tụ đất đai tùy bài toán kinh doanh của các DN. Tất nhiên, Chính phủ cần phát huy vai trò đại diện, để hạn chế việc lạm dụng đất nông nghiệp cho các mục đích khác. Sau khi có cơ chế xóa bỏ hạn điền thì trực tiếp Chính phủ quản lý các vùng đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cho DN thuê căn cứ tính khả thi từng dự án. Còn DN sẽ xây dựng thị trường để đảm bảo dự án hiệu quả, kể cả việc lo vốn.
Hình thành vùng sản xuất kiểu mẫu
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chính sách phát triển thị trường là vấn đề trọng yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Cách làm thị trường hiện rất cũ, lạc hậu, dựa vào "thứ mình có" hơn là "thứ thị trường cần". Ông Nguyễn Hoàng Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho rằng, với tình trạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi lúng túng, nhỏ lẻ, tự phát, chưa tập trung vào sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, dẫn đến nhiều hệ lụy về chất lượng nông sản cũng thiếu thị trường tiêu thụ. “Vấn đề đầu ra của nông nghiệp hiện nay, thường xuyên là câu chuyện được mùa mất giá, giải cứu nông sản, mất ATVSTP, không đáp ứng chuỗi khu vực và toàn cầu…” – vị này nói. Do đó, cần hình thành các khu vực, các vùng canh tác, chế biến, sản xuất ''kiểu mẫu'' với cách thức triển khai chuẩn từ khâu sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra để tạo "các mặt hàng thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, tạo cơ chế để DN xúc tiến thương mại, còn Nhà nước đóng vai trò ''mở thị trường''.
Về thu hút đầu tư trong nông nghiệp, một số DN cho biết rất quan tâm đến gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này không phải dễ. Theo ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển thuộc Công ty CP Tập đoàn PAN (hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm) cần xem xét về định hướng nguồn lực, không nên theo cơ chế xin – cho mà cần hướng vào hỗ trợ các DN có dự án tốt, dự án trong lĩnh vực có hiệu quả. Ông này dẫn chứng, chúng tôi làm việc với nông dân và thấy rằng họ thiếu vốn nhưng vay khó. Nông nghiệp công nghệ cao đầu tư nhiều nhà lưới, nhà kính nhưng không được nhận thế chấp các tài sản đó. “Nên chăng ngân hàng cần có chính sách chấp nhận tài sản giá trị để gỡ vướng cho người sản xuất. Như vậy DN mới mở rộng được diện tích hợp tác với nông dân” - Nguyễn Trung Anh kiến nghị.