Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh các giải pháp bình ổn giá, kiểm soát thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) quý I/2011 đã tăng 6,12% so với tháng 12/2010. Đây là mức tăng kỷ lục trong 15 năm gần đây.

KTĐT - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) quý I/2011 đã tăng 6,12% so với tháng 12/2010. Đây là mức tăng kỷ lục trong 15 năm gần đây.

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội giá các loại thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn đã tăng giá thêm 25% so với thời điểm Tết Nguyên đán Tân Mão. Điều đó cho thấy, trong thời gian tới cần phải có những biện pháp quyết liệt trong việc bình ổn giá, kiềm chế tốc độ tăng CPI.


CPI từ đầu năm và đặc biệt là tháng 3 tăng cao kỷ lục là do lực đẩy giá mạnh mẽ của nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như: xăng dầu, xi măng, sắt thép, dịch vụ vận chuyển, thuốc chữa bệnh,đặc biệt là giá lương thực thực phẩm vốn chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa chung không hề có dấu hiệu giảm. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô như quản lý thị trường vàng, ngoại tệ, tỷ giá USD/VND, lãi suất cho vay đã dẫn đến những tác động trực tiếp khiến nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tăng giá mạnh. Tình trạng giá thịt tăng cao như hiện nay rất có thể là do giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua đã tăng liên tục, ảnh hưởng rất lớn đến giá đầu vào ngành chăn nuôi. Tính bình quân 3 tháng đầu năm 2011, mặt hàng này đã tăng gần 80% so với năm 2009 và năm 2010 là 35,5%. Ngoài ra, cũng phải kể đến nguyên nhân nhiều thương lái lợi dụng găm hàng nhằm tăng giá bán.


Nhằm kiềm chế chỉ số CPI, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch cho doanh nghiệp vay 476 tỷ đồng với lãi xuất ưu đãi dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu, đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống phân phối tại các huyện ngoại thành, KCN. Dự kiến, chương trình bình ổn giá sẽ bắt đầu từ tháng 6/2011 cho đến hết tháng 4 năm 2012. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm thuế một số mặt hàng nguyên liệu như ngô, lúa mỳ, thức ăn thành phẩm của lợn, gia cầm… xuống 0%; tăng thuế suất xuất khẩu đối với sắn lát từ 5% lên 10%... Bộ này cũng đang tính đến việc sớm thành lập quỹ bình ổn giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thiết yếu như ngô, khô dầu đậu tương… như những loại mặt hàng dự trữ quốc gia.


Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lấy cớ tỷ giá tăng để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ, Bộ Tài chính đang tổ chức các đoàn kiểm tra, đi xuống các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu đểxác định việc điều chỉnh giá xăng dầu điện, tỷ giá vừa qua tác động như thế nào vào giá vốn. Từ đó có biện pháp xử lý những doanh nghiệp lâu nay vẫn mua theo giá thị trường nhưng lợi dụng việc tăng để nâng giá bán bất hợp lý. Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ tiếp tục kiểm soát chặt cước vận tải; Bộ Y tế, Tài chính kiểm soát chặt việc kê khai giá thuốc, giá sữa. Đây là các mặt hàng chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh của tỷ giá, giá điện và giá xăng, dầu.


Mặc dù các bộ, ngành đã đề ra nhiều biện pháp kiềm chế tăng giá nhưng những giải pháp này chưa giải quyết một cách căn bản. Nghị quyết 11 của Chính phủ mới ban hành được 1 tháng và bước đầu có tác động, phải cần thêm một vài tháng nữa mới có tác dụng. Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hiện tượng găm hàng tăng giá. Nhất là 8 nhóm hàng thiết yếu để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tới đời sống người dân và nhất là bộ phận dân nghèo, đối tượng chính sách xã hội.