Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự tham gia của một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài có truyền thống về kinh doanh dịch vụ ngân hàng bán lẻ (NHBL), các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã và đang đầu tư nguồn lực đáng kể vào lĩnh vực này.

Theo đó, tính đến hết quý I/2014, cả nước có 68,55 triệu thẻ, trong đó có 61,83 triệu thẻ nội địa và 6,72 triệu thẻ quốc tế.

Với hơn 90 triệu dân và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, trong đó có 75% chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, đây sẽ là cơ hội cho thị trường NHBL. Hơn nữa, hoạt động bán lẻ rủi ro thấp, đáp ứng được yêu cầu phân tán rủi ro của NHTM. Chính vì thế, nhiều NHTM coi NHBL là một chiến lược phát triển trọng tâm trong định hướng phát triển của mình.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thời gian qua, các NHTM đã chuẩn bị toàn diện về mô hình, cơ cấu tổ chức nhân sự, hệ thống sản phẩm dịch vụ nền tảng cho hoạt động này. Nhiều NHTM  Việt Nam tiến hành thay đổi theo 4P.

Dịch vụ ngân hàng bán lẻ, trong đó có dịch vụ thẻ, trở thành hướng phát triển được hầu hết các ngân hàng chọn lựa, nhằm mở rộng đối tượng khách hàng, phân tán rủi ro và cải thiện biên độ lợi nhuận thông qua huy động vốn với lãi suất thấp và cho vay với lãi suất cao hơn. Ngày càng có nhiều thẻ tín dụng được đăng ký và mức độ sử dụng thẻ cũng được kỳ vọng sẽ tăng cao trong tương lai.

Cạnh tranh trong lĩnh vực NHBL cũng ngày càng gay gắt, nổi bật là thông qua việc giảm lãi suất và nới lỏng một số tiêu chí cho vay tiêu dùng.

Trước đây, khách hàng có thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng trở nên mới đủ điều kiện làm thẻ tín dụng, thì nay, chỉ cần 4 triệu đồng/tháng.

Thời gian gần đây, các ngân hàng trong nước mạnh tay thâu tóm các công ty tài chính – mô hình phổ biến cho vay tiêu dùng.

Có thể thấy, 90% thị phần bán lẻ đang thuộc về các ngân hàng nội do có lợi thế về mạng lưới và kênh phân phối, song tỷ lệ này có thể bị co hẹp trước sự “tấn công” của ngân hàng ngoại. Hiện nay có tới 80 - 90% khách hàng bán lẻ của nhiều ngân hàng ngoại là người Việt Nam.

Khi vào Việt Nam, chiến lược của các ngân hàng bán lẻ nước ngoài như HSBC và ANZ là tập trung vào nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình khá trở lên.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các ngân hàng ngoại có thể bị giới hạn về việc mở thêm chi nhánh và không thể so sánh về quy mô chi nhánh với các ngân hàng Việt Nam. Do đó, họ sẽ tìm kiếm và phát triển thêm các kênh tiếp cận khác nhau đến khách hàng.