Trong cuộc chiến với vấn nạn lừa đảo trực tuyến, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật thì cũng cần nâng cao công tác tuyên truyền để người dân có thể nhận diện và phòng trành một cách hiệu quả.
Đây là năm thứ hai chiến dịch truyền thông được Bộ TT-TT giao cho Cục An toàn thông tin chủ trì triển khai. Trước đó, trong chiến dịch năm 2023, 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến đã được thông tin đến người dân.
Tiếp nối kết quả đạt được năm 2023, trong năm nay chiến dịch tập trung vào kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo cho người dân.
Một trong những mục tiêu hướng tới của chiến dịch năm 2024 là đẩy mạnh truyền thông diện rộng, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin nói chung và lừa đảo trực tuyến nói riêng cho người dân; cung cấp kỹ năng nhận diện, cách ứng phó khi gặp lừa đảo trực tuyến.
Qua đó nhằm giảm tỷ lệ nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Đồng thời, xây dựng và mở rộng Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin bền vững.
Trong kế hoạch vừa phê duyệt, Bộ yêu cầu tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả và phù hợp thực tiễn.
Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin qua các chiến dịch truyền thông.
Trong tháng 9, 10 tới đây, Cục An toàn thông tin sẽ phối hợp cùng các đơn vị lan tỏa mạnh mẽ thông điệp truyền thông về phòng chống lừa đảo trực tuyến đến từng nhóm đối tượng cụ thể.
Ngoài hoạt động hợp tác cùng mạng xã hội để triển khai chiến dịch, Cục An toàn thông tin dự kiến tổ chức giải thưởng KOLs có các video hướng dẫn về kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Đồng thời, cơ quan chuyên trách về an toàn thông tin mạng của Bộ còn phối hợp với các nền tảng mạng xã hội tạo các hoạt động chia sẻ về lừa đảo trực tuyến, tổ chức các cuộc thi để chia sẻ kinh nghiệm tránh lừa đảo.
Dự kiến, việc tổng kết, đánh giá chiến dịch sẽ được Bộ thực hiện vào tháng 11.