Tỷ lệ sinh viên, học sinh học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 70%. Điều này cho thấy dạy nghề đã tiếp cận và gắn dần với thị trường lao động. Tuy nhiên, để người lao động có thể tìm được việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước khu khu vực và trên thế giới, việc dạy kiến thức nghề cho người lao động chưa đủ mà cần trang bị cho người học nghề những kỹ năng mềm.
Bộ Trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Trong dạy nghề thì dạy những nội dung trực tiếp là 70% và dạy về những nội dung không trực tiếp chỉ có 30%, nhưng kỹ năng mềm chưa đưa vào được nhiều, bây giờ bắt buộc phải chuyển đổi. Tức là cơ sở dạy nghề phải chuyển từ dạy chay thì phải dạy vào thực tế và phải hợp tác tốt với những doanh nghiệp, dạy nghề phải gắn với thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo phải liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo cũng như là yêu cầu cao về dạy kỹ năng trong các trường nghề. Tôi nghĩ đấy là những biện pháp để giúp cho người lao động chủ động hơn trong giai đoạn tới”.
Thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề và Đề án đổi mới, phát triển dạy nghề đến năm 2020, hệ thống cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa và chú trọng phát triển trên 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Cả nước hiện có 1.463 cơ sở dạy nghề, trong đó có khoảng 800 cơ sở ngoài công lập, tăng 205 cơ sở so với cuối năm 2010. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được tăng cường, đầu tư cho dạy nghề theo hướng tập trung, đồng bộ theo các nghề trọng điểm tránh lãng phí và dàn trải góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề và gắn với thị trường lao động.