Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ GTVT vừa có cuộc họp thông qua báo cáo đầu kỳ xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho dự án vào khoảng 1,4 tỷ USD, đồng thời tuyến đường cũng được tư vấn đề xuất phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn.

Theo báo cáo của tư vấn TEDI và Công ty CP Tư vấn đường cao tốc VN (VECC), hiện nay QL1A đoạn Hà Nội - Lạng Sơn là tuyến nối Hà Nội với cửa khẩu Hữu Nghị ở biên giới Việt - Trung. Tuyến đường đã hoàn thành nâng cấp với tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, một số đoạn cấp III miền núi và được cải hướng tuyến nhiều đoạn.

Riêng đoạn Bắc Ninh - Hà Nội là đường cấp I với quy mô giai đoạn đầu là 4 làn xe. Trước yêu cầu phát triển ngày càng tăng, hơn nữa nhiều đoạn của QL1A cũ đã được giao cho các tỉnh, thành phố dọc tuyến quản lý và chưa được cải tạo, nâng cấp, đang trong tình trạng xuống cấp nhanh chóng, do đó việc nghiên cứu để sớm đầu tư tuyến cao tốc nối Hà Nội với Lạng Sơn là hết sức cấp bách. Theo dự kiến, hướng tuyến của cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn sẽ nối từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn và nối vào tuyến đường cao tốc Hữu Nghị Quan (Nam Ninh - Trung Quốc).
 
 
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Ảnh 1
 
ADB đã đồng ý cấp các khoản vay để đầu tư cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
 
Ông Trần Ngọc Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết, đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo báo cáo khả thi dự án do tư vấn của ADB lập, tuyến đường có tổng chiều dài 157,8km. Điểm đầu tại km1+800 cửa khẩu Hữu Nghị và điểm cuối km158+400 trên tuyến QL1A mới tại Hà Nội. Tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 1,4 tỷ USD. Cho đến nay, phương án khảo sát địa hình và thủy văn và đếm xe đều đã được thông qua. Hiện tại, VEC và TEDI đã kiểm tra và đang tiến hành điều chỉnh một số vị trí khó khăn để cơ bản xác định hướng tuyến cho dự án. TEDI cũng đã tiến hành rà soát lại hướng tuyến do tư vấn của ADB đề xuất trong báo cáo khả thi. Về cơ bản, hướng tuyến này là phù hợp, chỉ cần vi chỉnh cho sát với thực tế.

Còn theo đề xuất của tư vấn TEDI và VECC, đối với 5 đoạn điều chỉnh hướng tuyến, do các phương án chỉnh tuyến về cơ bản đều hạn chế được khó khăn trong quá trình thi công và có kinh phí nhỏ hơn so với phương án đề xuất trước đó, vì vậy Bộ GTVT nên cho phép khảo sát bổ sung các đoạn tuyến này để có cơ sở nghiên cứu kỹ lượng các phương án tuyến. Đối với quy mô đầu tư, căn cứ nguồn vốn đầu tư cho dự án thấp nên để bảo đảm tính khả thi, tư vấn đề xuất phân kỳ thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến 2026 và giai đoạn 2 sau 2026. Các nút giao khác mức liên thông trong giai đoạn 1 chỉ xây dựng 6 nút.

Theo bà Đào Thanh Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), tư vấn cần  khẩn trương cân nhắc kỹ về tốc tộ thiết kế của dự án. Nếu để tốc độ thiết kế 120km/h sẽ rất tốn kém và chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Do đó chỉ nên tính toán ở mức 100km/h là hợp lý. Đồng thời bà Thảo cũng cho rằng, tư vấn cần khẩn trương tính toán cụ thể về các giải pháp cắm mốc GPMB để sớm bàn giao cho các địa phương triển khai, tạo thuận lợi cho dự án sau này.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đã hình thành ý tưởng đầu tư từ lâu. Trước đây, phía Trung Quốc cũng đề xuất đầu tư xây dựng nhưng không khả thi. Mới đây, ADB đã đồng ý các khoản vay, hỗ trợ lập dự án, nên việc triển khai tuyến đường có nhiều tiến triển khả quan. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Vụ Kế hoạch Đầu tư  sớm làm việc với ADB, làm rõ các khoản vay để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án. Về phân đoạn đầu tư, Bộ GTVT thống nhất từ nút Thanh Trì tới Bắc Ninh cho cập nhật lại để đáp ứng  tiêu chuẩn đường cao tốc, tốc độ 100km/h. Đoạn từ Bắc Giang đến Tân Thịnh tốc độ thiết kế 100km/h, còn đoạn từ Tân Thịnh trở đi tốc độ 80km/h.