Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề án cải cách tiền lương: Muốn thành công phải có quyết tâm lớn

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời báo chí bên lề Hội thảo Báo cáo thường niên kinh tế năm 2018, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp hy vọng 2 đề án cải cách chính sách tiền lương và BHXH sẽ thành công, nhưng đòi hỏi quyết tâm lớn.

 Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp
Có nguồn để cải cách
Ông kỳ vọng gì ở Đề án Cải cách chính sách tiền lương trình tại Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng Khóa XII?

- Tại Hội nghị T.Ư 5 khóa XII đã có 2 nghị quyết, một là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước, hai là đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Với sự sắp xếp lại này, đội ngũ sẽ tinh giản ở khu vực công và các đơn vị sự nghiệp thì sẽ có nguồn để cải cách.
Những lần trước, chính sách cải cách tiền lương gặp khó khăn, còn lần này đã có những giải pháp như: Mức tăng thu từ ngân sách Nhà nước ở địa phương để lại ít nhất 50%. Cùng với việc tinh giản biên chế sẽ giải quyết được ít nhất về số lượng con người và khoản tiền. Tiền dùng cho cải cách năm nay không hết sẽ tiếp tục được sử dụng cho năm sau.

Như thế, những vướng mắc trước đây về biên chế, bộ máy, nguồn kinh phí, thì ở Đề án lần này có thể xử lý được, hy vọng sẽ thành công.

Làm sao đánh giá đúng được cán bộ, công chức và chi trả lương công bằng, thưa ông?

- Đề án lần này được thiết kế 2 thang bảng lương (chức vụ và chuyên môn nghiệp vụ). Những người hưởng lương chuyên môn nghiệp vụ sẽ được đánh giá về năng lực, trình độ chuyên môn, hiệu quả công việc. Thực hiện bảng lương chức vụ để tránh câu chuyện lãnh đạo lương thấp hơn người ở cấp dưới, Thứ trưởng có khi lương thấp hơn Vụ trưởng vì bậc công chức cộng với phụ cấp chức vụ.
Tôi cho rằng các thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ như thế là không ổn. Vì thế, cần có bảng lương chuyên môn nghiệp vụ để khuyến khích công chức phấn đấu đạt chức vụ lãnh đạo. Tất nhiên sẽ phải có câu chuyện đánh giá.
Đề án thiết kế 70% lương cơ bản, 30% phụ cấp để tránh chuyện lương thấp mà phụ cấp nhiều. Trong Đề án cũng thiết kế dành một khoản tiền thưởng do thủ trưởng quyết định, dựa trên đánh giá năng lực cán bộ, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Những người nhiều lần được thưởng là do hoàn thành nhiệm vụ và có thể giữ được ngạch bậc cao hơn đồng nghĩa nhận được mức lương cao hơn.
 Giải quyết thủ tục hành chính cho người lao động tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động

Với Đề án Cải cách chính sách BHXH, ông có nhận định gì về khả năng mở rộng diện bao phủ người tham gia?

- Chính sách BHXH vướng ở chỗ diện bao phủ hẹp, đến nay chỉ đạt 29%, cho nên mục tiêu năm 2020 có 50% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH khó đạt được. Hiện rất nhiều đối tượng có nhu cầu, khả năng tham gia BHXH lại không được quy định trong Luật BHXH. Ví dụ, người điều hành DN, người làm trong hợp tác xã, người tự do kinh doanh. Có lẽ cũng bởi những chính sách thiết kế trong BHXH chưa hợp lý, chẳng hạn như lương hưu có người nhận 100 triệu đồng/tháng; có người 1,3 triệu đồng/tháng. Và mỗi lần điều chỉnh lương hưu khoảng cách giữa người hưởng cao và thấp rất lớn.
Khi tăng lương 7%, người lương hưu 100 triệu đồng nhận được thêm 7 triệu đồng; người có lương 1,3 triệu đồng chỉ được 91.000 đồng, như vậy là không hợp lý. Chính sách BHXH mới chỉ chú trọng đến đóng - hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, mà chưa thực hiện nguyên tắc chia sẻ dẫn đến sự chênh lệch. Vì thế Đề án rất cần cải cách những vấn đề đang tồn tại này.

Tôi muốn nói thêm, BHXH có nhiều chính sách (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp). Chính sách thất nghiệp mới chỉ chi trả tiền và giới thiệu việc làm cho người mất việc, nhưng chưa có giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.

Ông có thể nói rõ hơn về thiết kế chính sách BHXH?

- Lần này, Đề án thiết kế chính sách BHXH 3 tầng. Tầng 1 là lương hưu xã hội trợ cấp tuổi già - từ trước đến nay chúng ta vẫn làm. Những người 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp hàng tháng đang được Nhà nước chi trả 270.000 đồng/tháng. Hy vọng với sự cải thiện của ngân sách, tuổi của những đối tượng thuộc tầng này có thể giảm xuống.
Tầng thứ hai mà hiện nay BHXH đang vận hành tức là có lương, có thu nhập thì tham gia BHXH để sau này có thể hưởng hưu trí, tử tuất. Tầng thứ 3 là hưu trí bổ sung để DN muốn thu hút và giữ chân người tài thì được thương lượng đóng vào quỹ hưu trí bổ sung. Có thể Quỹ hưu trí bổ sung sẽ do các đơn vị ngoài Nhà nước cung cấp. Với cách thiết kế thế này, sẽ đa dạng hóa nguồn tiền lương hưu và khuyến khích các DN giữ chân được người tài.

Xin cảm ơn ông!