Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề án hạn chế phương tiện cá nhân: Tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và thực hiện

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã chính thức phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án đã được đông đảo tầng lớp Nhân dân Thủ đô đồng tình, ủng hộ, tuy nhiên để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, điều cần nhất là có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Lẽ ra nên có từ lâu
Ngày 24/8, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5953/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030. TS Đặng Minh Tân (Đại học GTVT) đánh giá, Hà Nội đang chịu áp lực giao thông rất nặng nề do hạ tầng chậm phát triển, không theo kịp tốc độ gia tăng dân số và phương tiện cá nhân. Thực tế đặt ra đòi hỏi phải có biện pháp cấp thời, hữu hiệu giúp vận hành mạng lưới phương tiện một cách có trật tự, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng hiện có để giảm UTGT và bảo vệ môi trường. “Đề án chính là lời giải cho bài toán hóc búa đó. Thử tượng tượng cả hệ thống giao thông của Hà Nội hiện nay là một bộ máy tính, còn Đề án chính là hệ điều hành, giúp bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả” - TS Đặng Minh Tân nhìn nhận.
 Hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc và TNGT. Ảnh: Thanh Hải
Không chỉ các chuyên gia mà đông đảo Nhân dân Hà Nội mong mỏi Đề án sẽ sớm phát huy hiệu quả, điều tiết và giảm áp lực giao thông cho TP. Ông Lê Hữu Công, phố An Hòa, Mộ Lao (Hà Đông) chia sẻ: “Tôi có một thắc mắc từ rất lâu, đó là xe cộ tăng lên mỗi ngày, trong khi đường sá phải hàng năm hoặc vài năm mới có thêm được một công trình. Vậy làm thế nào để giảm được UTGT trước mắt? Đề án này chính là lời giải cho thắc mắc đó của tôi”.
Theo ông Lê Hữu Công, nếu ý thức của người tham gia giao thông tốt, các loại hình phương tiện được đưa vào quản lý quy củ, chưa chắc Hà Nội đã xảy ra UTGT thường xuyên. “Ngay như “anh” taxi cũng vậy thôi. Cấm xe taxi thường vào một số tuyến phố trong giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc, nhưng các loại Grab, Uber lại cứ chạy bất kể đường nào, giờ nào thì không được. Cần phải đưa vào quản lý chung, cấm chung như trong Đề án vạch ra mới được” - ông Công nói.
Rất nhiều người dân khi được hỏi cho rằng, Đề án quản lý phương tiện giao thông lẽ ra nên có từ lâu, từ khi Hà Nội mới bước vào giai đoạn tăng tốc đô thị hóa từ 10 năm trước. Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng: “Hà Nội có đặc thù riêng, có những khó khăn, đòi hỏi riêng trong lĩnh vực giao thông. Bởi thế nên cần phải có một bộ cơ chế, chính sách quản lý phương tiện giao thông riêng, được xây dựng để đáp ứng thực tế đó. Chỉ áp dụng những chính sách chung cho cả nước thôi mà bỏ qua đặc thù địa phương sẽ khiến TP ngày càng gặp nhiều khó khăn với vấn nạn UTGT và ô nhiễm môi trường”.
Người dân phải hiểu rõ chính sách
Ngày 4/7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết về Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030. Đại biểu HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Thanh Bình đánh giá, Đề án có tính đột phá và thể hiện quyết tâm lớn của TP Hà Nội trong quản lý phương tiện giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Đề án cũng cần có thời gian chuẩn bị và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân. Quan điểm trên đã chỉ ra một vấn đề thực tế rất cần các cấp chức năng TP quan tâm, đó là đưa chính sách đến với từng gia đình, từng người dân Hà Nội.
Anh Trần Thanh Tùng, sống tại số 9 phố Thành Công, phường Thành Công (Ba Đình) chia sẻ thẳng thắn: “Tôi cũng mới biết về Đề án quản lý phương tiện giao thông được TP phê duyệt. Trong đó có một số nội dung chính như: Năm 2030 sẽ cấm xe máy lưu thông trong nội thành, tập trung phát triển vận tải công cộng… Nhưng cụ thể lộ trình cấm thế nào, các bước phát triển thế nào thì tôi chưa rõ”.
 Ùn tắc trên tuyến phố Chùa Bộc, quận Đống Đa.   Ảnh:  Thanh Hải
Tương tự, hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội vẫn chưa hiểu hết các chính sách mới được thông qua tại Đề án này. Anh Trần Thanh Tùng trao đổi thêm: “Hiện nay, số lượng xe máy của Hà Nội lên đến vài triệu chiếc là quá nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông và môi trường không khí. Điều đó hầu như ai cũng hiểu, nhưng cấm xe máy ngay, theo tôi là không dễ, cần có một lộ trình cụ thể và người dân phải được biết lộ trình đó như thế nào, vai trò của chúng tôi trong đó ra sao. Đây là vấn đề cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền”.
Đông đảo người dân được hỏi mong muốn TP có những chương trình tuyên truyền sâu, rộng và liên tục trong thời gian tới để nắm vững những chính sách, quy định mới được thực hiện tại Đề án. "Ví dụ như việc thu phí lưu thông vào một số khu vực nội thành đối với ô tô chẳng hạn; hay việc điều chỉnh giờ học, giờ làm cụ thể như thế nào? Đó là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi rất mong muốn được nắm rõ” - một người dân nêu ý kiến.
Tuyên truyền từ người dân đến người dân
Ông Nguyễn Thanh Lâm, thôn Do Lộ, xã Ninh Sở (Thường Tín) góp ý: “Tôi thường xuyên theo dõi thông tin về Đề án quản lý phương tiện giao thông trên báo, đài thời gian qua. Tuy nhiên, cũng chỉ nắm được tinh thần chung thôi chứ chưa biết chi tiết”. Theo ông Lâm, chính sách nào cũng cần phải có sự ủng hộ và chung tay thực hiện của người dân mới nhanh chóng đi vào cuộc sống và cho hiệu quả như mong muốn. “Mà cách tuyên truyền tốt nhất, nhanh nhất là từ người dân đến người dân. Ví dụ như tôi, tôi hiểu được vấn đề thì sẽ tuyến truyền cho gia đình, con cháu mình hiểu và cùng thực hiện” - ông Lâm nêu ý kiến.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (quận Thanh Xuân) cho rằng: “Vấn đề mà tôi quan tâm nhất là lộ trình cấm xe máy trong nội thành từ nay đến năm 2030. Tôi rất đồng tình với chủ trương này, dẫu còn có những băn khoăn liệu đến thời điểm đó, chúng tôi có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng vận tải công cộng thay cho xe máy hay không?”. Theo chị Hạnh, song song với việc từng bước thực hiện chính sách mới, khuyến khích người dân tự từ bỏ xe máy, TP cần phải đẩy nhanh tốc độ phát triển vận tải công cộng để song hành với lộ trình hạn chế xe cá nhân.
Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngay trong Đề án và Quyết định phê duyệt, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện. 
Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030 có tính đột phá và thể hiện quyết tâm lớn của TP Hà Nội trong quản lý phương tiện giao thông. Khi triển khai, Hà Nội sẽ là địa phương đi đầu, tiên phong, đột phá của cả nước.
Đại biểu HĐND huyện Sóc Sơn Nguyễn Thanh Bình
Lãnh đạo UBND TP đã khẳng định quyết tâm đến năm 2030, vận tải công cộng phải đáp ứng được 55% nhu cầu đi lại của người dân thì mới cấm xe máy trong nội thành.