Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dè dặt chuẩn bị hàng Tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Còn khoảng 1 tháng nữa mới đến cao điểm mua sắm tết, nhưng tại thời điểm này, giá nhiều loại thực phẩm đã tăng, song sức mua còn chậm. Năm nay kinh tế khó khăn, thu nhập thấp nên người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và tập trung chủ yếu vào những mặt hàng thiết yếu.

Giá thực phẩm tăng 

Tại các chợ ở Hà Nội, nhiều mặt hàng thực phẩm bắt đầu tăng giá. Cụ thể, giá thịt gia cầm đã tăng thêm 2.000 đồng/kg so với tuần trước, giá gà tam hoàng lên 68.000 đồng/kg, gà ta 105.000 - 115.000 đồng/kg, các loại rau củ như xà lách, khoai tây, rau cải cúc, bó xôi đều tăng ít nhất 1.000 - 2.000 đồng/kg. Mặt hàng thủy hải sản như mực lá có giá 175.000 đồng/kg, mực ống 155.000 đồng/kg, tôm sú 230.000 đồng/kg...

Dè dặt chuẩn bị hàng Tết - Ảnh 1
 
Các nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm tiêu dùng đều cam kết sẽ hạn chế tối đa việc tăng giá trong dịp Tết.Ảnh: Hải Linh
 
Giá các loại thực phẩm khô và đặc sản dành cho Tết cũng tăng mạnh. Cụ thể, hạt điều rang loại 1 chưa bóc vỏ giá bán, dao động từ 320.000 - 350.000 đồng/kg; hạt dẻ Mỹ 300.000 đồng/kg; sen sấy 320.000 - 340.000 đồng/kg,… Các loại mứt Tết như mứt bí, mứt dừa, củ năng, khoai lang, hạt bí, hạt dưa… có giá bán từ 75.000 - 150.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá bán các loại hàng này tăng thêm 5.000 - 25.000 đồng/kg.
 
Đối với nhóm các mặt hàng thủy đặc sản khô, giá bán tăng bình quân khoảng 7% so với hồi đầu tháng 12. Loại tôm nhỏ đã đứng ở mức 550.000 đồng/kg; tôm cỡ vừa từ 650.000 - 750.000 đồng/kg và tôm khô cỡ lớn trên 800.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng như nấm hương, mộc nhĩ, măng khô tăng khoảng 20% so với thời điểm giữa năm...

Về lượng tiêu thụ năm nay, nhiều tiểu thương cho biết, đến thời điểm này không bằng dịp giáp Tết năm ngoái. 

Chuẩn bị hàng Tết trong lo âu

Thông thường, sức mua năm sau tăng hơn so với năm trước là 20%, nhưng Tết năm nay, các tiểu thương, doanh nghiệp (DN) đánh giá sức mua có thể chỉ tăng khoảng 5 - 10% sản lượng. Nhiều DN khá dè dặt trong việc tăng lượng hàng sản xuất, dự trữ phục vụ tết. Các DN sản xuất, tiểu thương tại các chợ lớn kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết, đồ khô... chỉ bán hết đến đâu nhập hàng đến đó để hạn chế đọng vốn. Một số DN sản xuất thực phẩm chế biến sẵn chuẩn bị lượng hàng tương đương Tết năm ngoái, trong khi không ít DN dự trữ dưới dạng nguyên liệu và theo dõi tình hình thị trường, nếu sức mua tốt sẽ đóng gói thành phẩm thêm. Ngoài ra, nhiều DN cũng không mặn mà tung sản phẩm mới như mọi năm. Các công ty chuyên sản xuất thực phẩm như Vissan, Saigon Food, Việt Hương Food… đều duy trì những sản phẩm cũ, chỉ thay đổi mẫu mã bao bì cho "xuân" hơn. 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, Tết năm nay sức mua yếu, hàng giả và hàng lậu diễn biến phức tạp, dịch bệnh chưa phát triển nhưng vẫn có nguy cơ rình rập. Theo lời ông Phú, đến nay lượng hàng tập kết của các siêu thị khoảng 50 - 70%. Đại diện siêu thị Big C cho biết, hiện, người dân vẫn tập trung mua thực phẩm thiết yếu, nhóm hàng tiêu dùng khác chỉ bán chạy khi có khuyến mại. Trong khi đó, nhiều siêu thị đã tiến hành thương lượng sớm với các nhà cung cấp để nhập số lượng lớn chuẩn bị cho Tết nên cam kết giá bình ổn cho khách hàng, hạn chế tối đa việc tăng giá.