KTĐT - Từ lâu nay, những điều tiếng về việc xà xẻo hàng cứu trợ của một số cá nhân đã làm mất đi lòng tin của người dân. Ngay cả bà hàng nước đầu ngõ gần cơ quan khi biết chúng tôi sẽ đi đưa hàng cứu trợ, cũng nhắn nhủ: “Đưa đến tận tay bà con là tốt nhất.”
Cả dọc tuyến đường quốc lộ từ Hà Nội vào Hà Tĩnh, thỉnh thoảng đoàn chúng tôi lại bắt gặp một vài chiếc xe đeo băng rôn chở hàng cứu trợ ủng hộ cho đồng bào miền trung bị lũ lụt đi ngược ra.
Cũng đeo băng rôn cứu trợ, qua cầu Bến Thủy, xe chúng tôi được cho qua trạm thu phí không cần mua vé.
Đi qua đoạn trục vớt chiếc xe bị lũ cuốn, nhìn những nắm chân hương được cắm dọc cả vai đường, cả xe lặng đi, mắt rưng rưng thầm nghĩ đến những hành khách xấu số. Chẳng thể làm gì cho họ, chúng tôi mong nhanh chóng được hòa vào dòng xe, người từ mọi miền của đất nước để giúp những bà con bị ảnh hưởng vơi đi một phần khó khăn.
Vẫn bắt gặp những chiếc xe hoặc chất đầy hàng cứu trợ, đang trao hay đã trao xong, lúc tối mịt khi chúng tôi tìm đường vào huyện Vũ Quang hay đâu đó tại các xã bị thiệt hại nặng của huyện Hương Khê.
Bà con ở đây cũng mong lắm để có được sự hỗ trợ cả vật chất và tinh thần từ mọi miền của tổ quốc.
Chị Hán Thị Lan, 56 tuổi, Thôn Trung Thượng xã Lộc Yên rưng rưng bảo: “Nhìn thấy cái xe đề biển Tất cả vì miền Trung ruột thịt là mình đã cảm động trào nước mắt rồi.”
Tôi gặp chị lúc gần trưa, khi chị và hàng chục bà con khác khoác áo mưa đứng ngồi ở nhà để xe của Ủy ban. Họ đã chờ gần 5 tiếng, từ 7 giờ sáng để chờ xe đến trao hàng cứu trợ. Đói, mệt mỏi vì chờ đợi, ướt át, một vài người chia nhau miếng bánh lương khô. Tôi băn khoăn tại sao lại không thể thông báo trước về thời gian trao hàng để bà con khỏi phải chờ đợi lâu thế?
Trên đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp một xe tải đỗ ngay bên đường đang phát hàng cho bà con. Mặc dù xe chúng tôi đã giảm tốc độ khi thấy có đông người vây quanh xe, nhưng suýt nữa vẫn va phải một chị đang vui mừng ôm bọc hàng chạy ra giữa đường. Tại sao lại không thể tìm một điểm an toàn hơn để phát hàng cho bà con?
Có nhiều điểm, hàng cứu trợ gồm quần áo, chăn màn, đồ dùng vẫn chất cả đống vì chưa có người trao hay nhận.
Chúng ta cùng hướng đến miền trung để mong hỗ trợ được phần nào khó khăn cho bà con, nhưng có lẽ cũng không nên vội vàng. Mặc dù quyên góp, hỗ trợ cũng cần phải có sự tìm hiểu để biết ở từng thời điểm, bà con thực sự cần gì, thiếu gì, ai cần, ở đâu… và đặc biệt cần một sự điều phối.
Từ lâu nay, những điều tiếng về việc xà xẻo hàng cứu trợ của một số cá nhân đã làm mất đi lòng tin của người dân. Ngay cả bà hàng nước đầu ngõ gần cơ quan khi biết chúng tôi sẽ đi đưa hàng cứu trợ, cũng nhắn nhủ: “Đưa đến tận tay bà con là tốt nhất.” Chính vì vậy ngày càng có nhiều cá nhân, đoàn thể, hội thiện nguyện sẵn sàng đứng ra quyên góp và chuyển quà, hàng đến tận tay bà con bị ảnh hưởng của thiên tai.
Nhưng nếu thiếu sự điều phối của các cơ quan đoàn thể ở địa phương, việc quyên góp, ủng hộ khó có hiệu quả. Có thể những điều tiếng đó chỉ do một vài cá nhân tham lam gây nên, nhiều cán bộ chúng tôi gặp tại địa phương cũng đang lăn lộn ngày đêm để kịp phát hàng, phát quà cứu trợ cho bà con.
Cùng với sự điều phối phân chia hợp lý tại địa phương, có thể chúng ta cũng cần một hệ thống thông tin minh bạch để biết được đóng góp của mình dù to nhỏ được đến tay người dân như thế nào. Chúng ta đã và đang hưởng ứng các đợt quyên góp khi phường xã đi thu, cơ quan kêu gọi, hay mới đây là gửi nhắn tin ủng hộ đồng bào. Nhưng những khoản quyên góp như thế đi được đến đâu, ai được nhận, nhận bao nhiêu liệu và đã có ai có trách nhiệm đứng ra thông báo lại.
Với tinh thần lá lành đùm lá rách, chắc chắn sẽ còn những đợt quyên góp trong tương lai. Hãy cùng phối hợp tốt hơn để đáp ứng nhu cầu được cứu trợ của người dân.